Nhớ lại vụ án oan của thầy giáo ở Trà Vinh

GD&TĐ - Gần 15 năm đã qua, tôi vẫn không quên hình ảnh tàn tạ của thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng (Trường Tiểu học Ngãi Hùng A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh - cũng là nơi anh sinh ra và cư ngụ). 

Tác giả bài báo (phải) và thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng ở Trà Vinh
Tác giả bài báo (phải) và thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng ở Trà Vinh

Gần 15 năm đã qua, tôi vẫn không quên hình ảnh tàn tạ của thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng (Trường Tiểu học Ngãi Hùng A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh - cũng là nơi anh sinh ra và cư ngụ). Thầy Hoàng bị các cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh “tự nặn vẽ bản án”, giáng vào đầu hai tội: “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Thầy Hoàng bị tạm giam gần 6 tháng (6/5/1996 - 5/11/1996) và ba lần phải hầu tòa…

Lật lại vụ án có một không hai

Cũng là sự tình cờ, giữa năm 2005, khi tôi về công tác ở Phòng GD Tiểu Cần, anh Công – Trưởng phòng nhờ Báo ngành can thiệp làm rõ vụ án thầy Hoàng. Sau đó, Cơ quan thường trú Báo GD&TĐ tại TPHCM mới nhận được “Đơn kêu cứu” của thầy Hoàng. Tôi được Tòa soạn giao điều tra, với tinh thần: Nếu thầy Hoàng thật sự bị tù oan, thì phải “chiến đấu đến cùng” để bảo vệ sự thật, bảo vệ uy tín ngành GD.

Gần 2 năm lặn lội về Trà Vinh, tôi đã viết 5 bài báo kèm 2 tin về vụ thầy Hoàng. Thêm vào đó còn có 4 bài và 3 tin điều tra vụ án này của Nhà báo Đinh Anh Tuấn (Báo Tiền Phong). Phải mòn mỏi chờ đợi công lý, đến ngày 4/1/2007, nhà giáo Nguyễn Minh Hoàng mới được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Trà Vinh công khai xin lỗi, tổ chức minh oan và bồi thường thiệt hại…

Một đêm đầu tháng 5/1996, tại nhà riêng của ông L.T.H., Phó ban nhân dân ấp Ngãi Thuận (xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) xảy ra vụ hành hung - khiến ông L.T.H. bị thương tích 11%. Theo “Đơn tố cáo” của ông L.T.H. thì láng giềng với ông là thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng (Trường Tiểu học Ngãi Hùng A) là thủ phạm đã dùng cây sắt đánh túi bụi cả 4 người thân của gia đình ông khi họ đang ngủ…

Nghi can là thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng bị bắt giam khẩn cấp với trọng tội “Giết người”. Sau 6 tháng bị biệt giam, do nghi can Nguyễn Minh Hoàng gửi “Đơn kêu cứu” xin minh oan khắp nơi, các cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh lật lại hồ sơ, truy tố thầy Hoàng tội “Cố ý gây thương tích”…

Gần 11 năm sau, với khoảng… 50 kg “Đơn kêu cứu” kèm các chứng từ có liên quan, nghi can Nguyễn Minh Hoàng mới được xin lỗi và minh oan. Các khoản chi phí thuê đánh máy, photo đơn từ thưa kiện, thầy Hoàng đã tốn hơn 30 triệu đồng. Tính riêng các khoản chi phí đi lại, ăn ở thưa kiện, thầy Hoàng đã mất khoảng 50 triệu đồng cộng với hơn chục triệu đồng thuê luật sư.

Lúc bị tống giam, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, ao cá, đàn gà, đàn heo… của thầy Hoàng đành bỏ hoang và bị kẻ trộm vơ vét sạch. Ngày ra tù, thầy Hoàng chỉ còn bộ xương (khi chưa bị biệt giam - anh cao trên 1,7m, nặng gần 70 kg - ra tù chỉ còn 46 kg). Thầy Hoàng thất thểu, xương sống như sắp gãy, mắt mờ nên đi phải có người dìu, đầu óc như kẻ nửa điên, nửa dại. Anh về nhà của mình, mà cứ lẩm bẩm hoài “Nhà của ai vậy?”.

Từ ngày được trả tự do, thầy Hoàng đi vay nợ và cũng xin khất nợ lâu dài của nhiều người, để lo các chi phí điều trị bệnh tật, ăn uống nhằm lấy lại sức khỏe, dựng lại lều tranh để 2 cha con tá túc. Thầy Hoàng phải mượn khắp nơi hơn 120 triệu đồng để trang trải chi phí…

Khi bị chụp lên đầu trọng tội “Giết người”, cũng là lúc vợ chồng Hoàng chia tay. Đứa con gái chưa đầy 8 tuổi ở với ba - may được ông bà nội nhà ở kế bên nuôi dưỡng. Một số người thân của Hoàng đang làm trong các cơ quan Nhà nước ở huyện Tiểu Cần nhấp nhổm tính xin thôi việc, vì đi đâu cũng mang tiếng là người nhà của “kẻ giết người Nguyễn Minh Hoàng”…

Gần 11 năm bị oan ức khủng khiếp, toàn bộ lương và các khoản phụ cấp của nhà giáo Hoàng đều bị cắt. Tổng cộng gánh nợ đổ lên đầu Hoàng hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, thầy Hoàng chỉ được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Trà Vinh bồi thường thiệt hại về vật chất hơn 97 triệu đồng (thời điểm tháng 7/2006).

“Ông trời có mắt”

Thầy Hoàng ở điểm trường Ngãi Thuận, Trường Tiểu học Ngãi Hùng, Tiểu Cần, Trà Vinh
Thầy Hoàng ở điểm trường Ngãi Thuận, Trường Tiểu học Ngãi Hùng, Tiểu Cần, Trà Vinh 

Nhắc lại vụ án oan của thầy Hoàng, chúng tôi không hề có ý muốn khơi lại quá khứ, vì vụ án đã lùi sâu dĩ vãng đến… 23 năm - tính từ ngày thầy Hoàng được ra tù! Thầy Hoàng vẫn trở lại trường cũ dạy học, đến nay sắp nghỉ hưu.

Bé gái chưa đầy 8 tuổi (tên Minh Thư), con thầy Hoàng thuở xưa, nay đã 30 tuổi, đã học xong 2 bằng đại học, đang đi làm và ở với chồng tại Sài Gòn. Tôi (tác giả bài báo) nhận Minh Thư làm “con nuôi”. Lúc 18 tuổi, Minh Thư lên Sài Gòn ăn ở trong nhà tôi, suốt 5 năm theo học một trường cao đẳng và học tiếp đại học.

Ngay sau đêm đám cưới của Minh Thư, cả ba ruột, mẹ đẻ và ba dượng của Minh Thư đến nhà tôi, nâng chén rượu muộn mừng hạnh phúc hai con. Thầy Hoàng rơi nước mắt, nắm chặt tay tôi rất lâu, giọng nghẹn lại: “Gần 11 năm tôi bị oan sai với 6 tháng tù tội... Báo Giáo dục và Thời đại; Báo Tiền Phong và rất nhiều cơ quan, cá nhân đã “sinh” ra tôi lần thứ 2. Ơn nghĩa sâu nặng vô cùng, suốt đời tôi không trả hết…”.

Có những số phận vô cùng nghiệt ngã, lẽ ra tôi không nên nhắc lại. Vì sao thì tôi, thầy Hoàng và rất nhiều người có liên quan đến vụ án oan của thầy Hoàng cũng không thể hiểu nổi!?

Ông Phó ban ấp Ngãi Thuận L.T.H. (nói trên) đã vu oan, vô tình đẩy thầy Hoàng vào tù không thấy bị xử lý? Không may, trong khi đốn cây ở vườn nhà mình, ông L.T.H. bị tai nạn mất tháng 10/2002. Cũng năm này, trước đó vào tháng 3, vị Trưởng phòng Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Trà Vinh là ông L.H.N. bị bệnh mất. Ông L.H.N. là Tổ trưởng trực tiếp điều tra, lập hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố thầy Hoàng tội “Giết người”.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Trà Vinh - người đã ký cáo trạng khởi tố thầy Hoàng tội “Giết người” đầu tháng 5/1996 là ông N.V.L. bấy giờ là Phó Viện trưởng. Cũng ông N.V.L., Phó Viện trưởng sau đó ký cáo trạng tiếp tục truy tố thầy Hoàng tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 2005 ông bị cách chức, về làm nhân viên Văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh, nay nghỉ hưu đã 4 năm.

Đặc biệt nhất là bà L.T.T.H. thẩm phán - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh là người đã 3 lần chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Hoàng. Năm 2006, bà cũng bị kỷ luật về làm Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh…

Còn mãi ơn nghĩa ân tình

Tôi và nhà báo Đinh Anh Tuấn (Báo Tiền Phong), không chỉ viết bài điều tra, đưa tin về vụ án oan khốc của thầy Hoàng, chúng tôi bàn với nhau phải giúp thầy Hoàng ra Hà Nội xin gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương nhờ can thiệp làm sáng tỏ vụ án này. TS Trần Đăng Thao - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ; ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong lúc bấy giờ đã 2 lần lo toàn bộ chi phí ăn ở đi lại cho thầy Hoàng ra Hà Nội thưa kiện.

Khi ra Hà Nội, thầy Hoàng may mắn được Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh tiếp. Bà Trương Thị Mai - đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - bấy giờ là Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng rất quan tâm đến vụ án của thầy Hoàng.

Tại TPHCM, tôi dẫn thầy Hoàng đến gặp Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhờ xem xét vụ án. Cũng không thể quên các vị hồi đó còn đương chức ở tỉnh Trà Vinh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình (sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Hiều (ông Hiều là đồng đội cùng kháng chiến chống Mỹ thuở xưa với ba ruột của thầy Hoàng); Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lê Thị Hồng; Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Hổ… tất cả ít nhiều đều lên tiếng yêu cầu các cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh xem xét lại vụ án của thầy Hoàng…

Trước khi viết bài này khoảng 1 tuần, không hẹn trước, tôi lặn lội 1 mình quay lại nhà thầy Hoàng. Chỉ cho tôi xem 5 - 6 công đất ruộng vườn (gia tài do ba má thầy Hoàng cho), thầy Hoàng khẽ nói: “Tôi sắp nghỉ hưu và sẽ mượn tiền, dốc toàn bộ sức lực trí tuệ để thực sự làm anh nông dân. Hy vọng sẽ đổi đời. Nhà báo cứ tin như vậy nhé”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?