GS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM khẳng định nhà trường đã xử lý dứt điểm vụ việc, trên quan điểm công khai, minh bạch và đúng quy trình. Người bị tố đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn một năm nay và đến giờ vẫn chưa được đi dạy lại.
Không có chuyện cho điểm khống
Nói về đơn thư tố cáo giảng viên N.T.Tr. (GV bộ môn Toán kinh tế thuộc Khoa Toán - Thống kê) đã không chấm bài thi mà cho điểm khống khoảng 456 sinh viên lớp đại trà và khoảng 80 sinh viên lớp chất lượng cao trong năm học 2017 - 2018, GS Nguyễn Trọng Hoài cho biết: “Chuyện GV cho điểm khống sinh viên là không thể có. Trường hợp thầy Tr. là có chút hiểu lầm chứ với quy trình giám sát nghiêm ngặt của trường, làm sao có sự việc nghiêm trọng đó xảy ra”.
Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, trường hợp sai của GV N.T.Tr. là sai về quy định chấm thi trong đề cương giảng dạy đã được thông qua. Theo đó, quy định chấm thi của khoa, bộ môn Toán là chấm điểm bài thi theo cơ cấu 7 điểm cho phần trắc nghiệm và 3 điểm cho phần tự luận, GV Tr. lại làm ngược quy định trên khi chấm điểm cơ cấu là 7 điểm cho phần tự luận và 3 điểm cho phần trắc nghiệm với lý do thương sinh viên.
“Ngay sau khi nhận được phản ánh, xác minh, Ban Giám hiệu nhà trường cùng Khoa Toán - Thống kê đã làm việc với GV Tr. và giảng viên này đã chấm lại bài thi theo đúng quy định chấm thi trong đề cương giảng dạy đã được duyệt. Về phía Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã chỉ đạo Khoa Toán - Thống kê thành lập một hội đồng chấm, chấm lại toàn bộ bài thi (có thông báo với sinh viên) và kết quả điểm thi công bố không có bất cứ một sinh viên nào phản ứng” - GS Hoài cho biết.
Về tố cáo GV Tr. có hay không những lời lẽ kiểu “gạ tình” sinh viên trong quá trình dạy học, GS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, Ban Giám hiệu cùng với Khoa Toán - Thống kê đã rà soát và tìm hiểu rất kỹ vấn đề này từ phía sinh viên. Quan điểm của nhà trường là các hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm, ảnh hưởng và có tác động tới sinh viên là phải xử lý ngay.
Tuy nhiên, sau thời gian ghi nhận những hành vi kiểu lời nói (chưa có hậu quả) của GV Tr. rất khó để xử lý. Bản thân GV Tr. khi có phản ánh của sinh viên đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, trực tiếp xin lỗi sinh viên, và hai bên đều rất thoải mái với những chia sẻ, đối thoại trực diện.
“Tuy vậy, với những phản ánh và đặc biệt là sai phạm trong quy trình chấm điểm bài thi, GV N.T.Tr. đã bị Hội đồng kỷ luật của nhà trường xử lý ở mức cảnh cáo và đình chỉ dạy một năm sau 3 lần hiệp thương với sự tham gia đầy đủ của các bên (Khoa - sinh viên - GV Tr. và cả người làm đơn).
GV N.T.Tr. chính thức bị đình chỉ dạy từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019. Sau thời hạn chịu án kỷ luật, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện lại quy trình xem xét xóa kỷ luật với trường hợp GV Tr. Tuy nhiên, khi đưa GV Tr. về Tổ bộ môn Toán cơ bản để theo dõi, tạo cơ hội sửa sai cho GV trẻ thì Tổ trưởng Phạm Hồng Danh không đồng ý tiếp nhận. Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường mới xem xét luân chuyển GV Tr. sang bộ môn Toán tài chính” - GS Nguyễn Trọng Hoài thông tin.
Xử lý nghiêm nhưng cũng cần nhân văn
Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, môi trường giáo dục, con người luôn là yếu tố hàng đầu. Vì vậy, trong quá trình xử lý kỷ luật, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện nghiêm túc và hướng theo quan điểm nhân văn, sư phạm.
Bản thân GV Tr. trong quá trình chịu án kỷ luật cũng không có sai phạm gì thêm. Lãnh đạo khoa trong những lần họp kỷ luật cũng không đề cập đến việc buộc thôi việc và đồng ý hình thức cảnh cáo, đại diện phía sinh viên cũng hài lòng với hình thức xử lý kỷ luật của nhà trường nên Ban Giám hiệu cũng muốn tạo cơ hội cho GV Tr. “đứng dậy” và sửa sai sau khi chấp hành xong án kỷ luật.
“Nói hơn 50% GV bộ môn Toán cơ bản không đồng ý tiếp nhận GV Tr. về giảng dạy lại là không đúng. Bởi các biên bản họp tiếp nhận GV Tr. về khoa, bộ môn có đầy đủ các bên tham gia thể hiện rõ. Chỉ có 3/22 CB-GV của Khoa Toán - Thống kê không đồng ý tiếp nhận lại GV Tr. về, một phiếu trắng. Riêng Tổ bộ môn Tóan cơ bản thì có 9 người nên vẫn chưa quá bán.
Tuy nhiên, để dung hòa mọi việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã luân chuyển GV Tr. sang bộ môn Toán tài chính làm công tác soạn giảng (tức thêm một năm không được dạy). Sau đó GV Tr. mới giảng thử, được thì Tổ bộ môn Toán tài chính mới tiếp nhận. Vì vậy, xét về cơ bản, GV Tr. sẽ bị thử thách 2 năm” - GS Hoài thông tin.
Nói về việc người đứng đơn tố cáo là TS Phạm Hồng Danh cũng đồng thời có đơn xin nghỉ việc có điều gì uẩn khúc và bất thường hay không, GS Nguyễn Trọng Hoài khẳng định không có gì bất thường.
Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, trước khi vụ việc này lùm xùm trên báo chí, Ban Giám hiệu nhà trường có nhận được đơn xin thôi công tác từ phía TS Phạm Hồng Danh. Điều đáng nói là sau khi gửi đơn lên Ban Giám hiệu nhà trường, mọi liên lạc với TS Danh gần như bị cắt đứt, TS Danh cũng không lên trường.
Thầy Nguyễn Đông Phong (Hiệu trưởng) cùng Ban Giám hiệu nhà trường nhiều lần liên lạc nhưng không thể liên hệ được với TS Danh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Vì vậy, hiện nhà trường chưa thể có quyết định về đơn xin thôi công tác của TS Danh.
“Việc một người đưa đơn xin nghỉ việc sau những tố cáo là điều bất cứ đơn vị nào cũng phải thận trọng xem xét kỹ. Trường hợp của thầy Phạm Hồng Danh khi gửi đơn xin thôi nhiệm vụ lên Ban Giám hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chúng tôi đã tiếp nhận nhưng chưa thể liên lạc được với thầy.
Ban Giám hiệu nhà trường muốn trực tiếp trao đổi, xem tâm tư nguyện vọng của thầy Danh là như thế nào. Từ đó mới có hướng xử lý việc hợp tình, hợp lý. Mọi việc đều phải xử lý thấu tình đạt lý, nhân văn và tình cảm” - GS Hoài nói.
Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TPHCM luôn coi sinh viên là trọng tâm của hoạt động giảng dạy. Chất lượng đào tạo và môi trường sư phạm là thước đo. Vì vậy, đối với mọi sai phạm hay các hành vi ứng xử thiếu quy chuẩn đạo đức, ảnh hưởng tới sinh viên và chất lượng đào tạo của nhà trường. Ban Giám hiệu sẽ nghiêm khắc xử lý, không bao che, dù người đó là bất cứ ai, ở vị trí nào.