Pháp luật về nhà giáo từ kinh nghiệm quốc tế

GD&TĐ - Ngày 3/4, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Ảnh: Mạnh Tùng

Tọa đàm diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM).

Dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; các nhà khoa học, giảng viên của các trường đại học.

Chính sách thu nhập, thu hút nhân tài

Theo thông tin tại tọa đàm, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước, có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên.

Tuy nhiên, hiện không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà nhà giáo chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan.

Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) báo cáo đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) báo cáo đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, bối cảnh hiện nay phát huy quyền tự chủ giáo dục, với nhiều áp lực do yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội đối với nhà giáo.

Do đó, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, trong quản lý và giáo dục học sinh, sinh viên và trong thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo TS Dung, nghề giáo có tính chất, đặc thù riêng biệt với những áp lực từ xã hội. Tuy nhiên, quyền lợi, phúc lợi họ nhận được chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Với mức thu nhập hiện nay, khó có thể đòi hỏi quá mức ở nhà giáo.

Tương tự, PGS TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng luật Nhà giáo tại Việt Nam. Việc xây dựng xây dựng luật này là nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như nêu rõ trách nhiệm của nhà giáo. “Đặc biệt, cần có cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi. Nếu không có thầy giỏi thì rất khó mà có trò giỏi”, ông Quân nói.

Tọa đàm cũng ghi nhận chia sẻ các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển giảng viên trong nước và thu hút giảng viên nước ngoài tại Singapore, quá trình xây dựng và ban hành luật Nhà giáo tại Trung Quốc.

GS Tulika Mitra, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo tại Đại học Quốc gia Singapore trình bày tham luận trực tuyến. Ảnh: Mạnh Tùng

GS Tulika Mitra, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo tại Đại học Quốc gia Singapore trình bày tham luận trực tuyến. Ảnh: Mạnh Tùng

GS Tulika Mitra, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chia sẻ, 3 trụ cột mà đại học này và nhiều trường trên thế giới hướng tới là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Ở cả 3 trụ cột đều cần đội ngũ nhà giáo giỏi.

Do đó, NUS có chiến lược thu hút nhân tài với 4 yếu tố: Tuyển dụng chủ động; Đầu tư vào phát triển; Xây dựng kết nối; Tác động đến sự thay đổi. NUS xác định giảng viên chính là nền tảng của đại học. Sự kết hợp đa dạng những nhân tài học thuật nhằm mục tiêu hiện thực hóa sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường.

NUS có những học bổng, tài trợ để phát triển nhân tài như: Chương trình học giả sau đại học ở nước ngoài của NUS; Chương trình tài trợ phát triển NUS; Chương trình sau tiến sĩ ở nước ngoài...

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong khi đó, GS Guodong Yang, Giảng viên Trường Luật Hành chính, Đại học Chính pháp Tây Nam (Trung Quốc) chia sẻ về quá trình xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tại Trung Quốc.

Luật Nhà giáo của nước này gồm 3 nội dung chính: phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm nhà giáo.

Theo GS Guodong Yang, Trung Quốc chú trọng đãi ngộ cho nhà giáo với mức lương trung bình không thấp hơn công chức, thăng tiến và tăng lương theo quy định chung của pháp luật.

Ngoài ra, nhà nước ưu đãi nhà giáo trong việc xây dựng, thuê, bán nhà ở; hưởng chế độ chăm sóc y tế tương đương công chức cùng địa phương; hưởng chế độ hưu trí theo pháp luật.

Phát huy tâm huyết, trí tuệ nhà giáo

Tại tọa đàm, nhiều giảng viên, nhà khoa học đã góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, các diễn giả thống nhất, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần thiết phải có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam

Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng để điều chỉnh về nhà giáo hoặc có chính sách pháp luật điều chỉnh về nhà giáo nhằm xây dựng một đạo luật nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo cần sự chung sức của "5 nhà": Nhà quản lý (cơ quan quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách); Nhà khoa học; Nhà sản xuất (giáo viên, giảng viên); Nhà sử dụng (hiệu trưởng); Nhà thụ hưởng (người học).

Thứ trưởng nhắc lại những quan điểm cốt lõi trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Đó là, bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; học tập kinh nghiệm của quốc tế, vận dụng sáng tạo và phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Nhà giáo không phải đặt ra quy định quản lý nhà giáo mà quan trọng là phát triển đội ngũ nhà giáo. "Đó là thu hút người có năng lực, phẩm chất làm nhà giáo; phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình làm việc, cống hiến", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tổng kết tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tổng kết tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của hội thảo, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo của các chuyên gia quốc tế.

Ông đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục cho ý kiến trong việc xây dựng Luật Nhà giáo liên quan đến đội ngũ giảng viên (quyền lợi, trách nhiệm, thu hút nhân tài). Ngoài vấn đề về thu nhập, đãi ngộ, yếu tố môi trường làm việc, danh dự, uy tín... của nhà giáo cũng rất quan trọng và cần được thảo luận.

Ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ