Góp ý cho Luật Nhà giáo từ kinh nghiệm quốc tế

GD&TĐ - Có thể học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc cải thiện đời sống giáo viên, thu hút sinh viên giỏi học sư phạm trong việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Học sinh ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Học sinh ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM từng được đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm giáo dục và đào tạo ở nhiều nước tiên tiến.

Ông tìm hiểu sâu về chính sách và chế độ đãi ngộ ở các nước dành cho giáo viên. Bằng những thông tin, câu chuyện mà bản thân tìm hiểu và lưu trữ, ông góp ý cho việc xây dựng Luật Nhà giáo với góc nhìn kinh nghiệm từ các nước.

Nhiều ưu đãi cho giáo viên ở Thái Lan

Ông Lê Ngọc Điệp nhiều lần đến Thái Lan trong các chuyến đưa học sinh tiểu học thi Toán quốc tế, xem liên hoan biểu diễn trống trên sân vận động dành cho học sinh toàn quốc, thăm các cơ sở giáo dục phổ thông ở thủ đô Bangkok.

Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất với ông là chuyến công tác tại cao nguyên Chiang Mai và các tỉnh lân cận trong một dự án Quyền trẻ em trong các trường tiểu học.

Ở đây, các ngôi trường tiểu học không to lớn, chỉ mang dáng dấp ngôi trường làng. Tuy nhiên, ngôi trường nào cũng có hàng cây, có sân vận động, đặc biệt có nhà để xe hơi, nhiều chiếc xếp hàng bên nhau.

Ở một ngôi trường gần biên giới không có điện, các dãy phòng học mái tôn, song hiệu trưởng được cấp xe bảy chỗ hai cầu. Nhờ đó, hiệu trưởng có thể vượt qua những con đường đèo dốc, đến với thầy cô và học sinh hằng tuần.

Một thầy hiệu trưởng ở đây cho biết về chính sách mà nhà nước dành giáo viên ra trường: Nếu tình nguyện dạy ở vùng xa đô thị với khoảng cách theo quy định, giáo viên có thể được mua một chiếc xe hơi trả chậm, miễn thuế.

"Tôi gặp giáo viên hỏi thăm gia đình có gần trường không? Cô cho biết nhà cô cách trường gần 100 km", ông Lê Ngọc Điệp kể.

Ngoài ra, lương bổng giáo viên ở Thái Lan hằng năm đều tự động tăng.

Học sinh ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Học sinh ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Singapore: Sinh viên đang học đã có lương

Một lần, đoàn Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM có dịp kết nối, học tập kinh nghiệm tại Học viện Giáo dục ở Singapore (nơi đào tạo giáo viên).

Khi hỏi về đào tạo giáo viên và chính sách thu hút người giỏi vào ngành, ông Lê Ngọc Điệp biết có thời kỳ giáo dục Singapore không thu hút được người giỏi. Chính phủ và Bộ Giáo dục nước này ra nhiều chính sách để người tài, người có tâm và khả năng sư phạm.

Chẳng hạn, các sinh viên học năm thứ ba nếu tiếp tục học sư phạm sẽ có lương, thay vì học bổng.

Theo định kỳ 5 năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên đi nước ngoài hai lần để trải nghiệm, học tập và trau đồi kỹ năng.

Đối với các trường, việc tổ chức việc giảng dạy, soạn bài chấm điểm rất khoa học. Trong từng trường, giáo viên được hưởng nhiều tiện nghi, phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và nghỉ ngơi.

Thậm chí, họ có phòng thư giãn cho giáo viên với máy nghe nhạc, ghế tựa, đồ uống...Khi ra khỏi cổng trường, giáo viên được thoải mái lo cho gia đình hoặc thư giãn, dạo chơi với bạn bè.

Một lớp học tại Singapore. Ảnh: The Straits Times

Một lớp học tại Singapore. Ảnh: The Straits Times

Hiệu trưởng ở Úc phải giỏi luật, nghiệp vụ

Trong một chuyến công tác, ông Lê Ngọc Điệp được đến thăm các trường tiểu học và Bộ Giáo dục ở Úc, được nghe giới thiệu đất nước, con người và đặc biệt về giáo dục tiểu học của đất nước này.

Mỗi ngôi trường tiểu học có Hội đồng giáo dục gồm nhiều phụ huynh, nhân sĩ... Khi cần tuyển hiệu trưởng, Hội đồng ra thông báo và người ứng cử phải có kế hoạch quản lý, kế hoạch giáo dục học sinh. Các ứng cử viên phải tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm của nhà trường và soạn ra kế hoạch để thuyết trình trước Hội đồng.

Ở Úc, làm hiệu trưởng là một nghề phải thông thạo luật về giáo dục, về tình hình địa phương và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Nếu được Hội đồng chọn, hiệu trưởng được chuyển ngân sách của nhà trường để hoạt động.

Hiệu trưởng tuyển giáo viên và ký kết hợp đồng giảng dạy, lương bổng theo luật và nguyên tắc của nhà trường. Giáo viên cũng phải tuân thủ những điều đã ký cam kết với hiệu trưởng về giảng dạy và kết quả học tập của học sinh...

Đánh giá kết quả giáo dục của nhà trường là kỳ kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục là tổ chức độc lập do Bộ Giáo dục ký hợp đồng.

Kỳ kiểm định các hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh do tổ chức này thực hiện và kết quả này được gởi về cho Hội đồng giáo dục. Căn cứ vào kết quả, Hội đồng sẽ thưởng, phạt hoặc thôi hợp đồng với hiệu trưởng.

Cũng theo kết quả kiểm định, hiệu trưởng sẽ có chế độ thưởng phạt hoặc thôi việc với giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.