Pháo đài giữa lưng trời và những xác ướp trên vách đá

GD&TĐ - Ẩn mình trong vùng núi phía Bắc Peru là một công trình kiến trúc kỳ vĩ được xây dựng bởi một nền văn hóa lâu đời của người Chachapoya, hay “những chiến binh mây”.

Các cấu trúc hình tròn còn sót lại bên trong “thành phố pháo đài”.
Các cấu trúc hình tròn còn sót lại bên trong “thành phố pháo đài”.

Đây là một khu định cư, “thành phố pháo đài”, được bao quanh bởi những bức tường kiên cố. Ngoài những tàn tích, hiện nay các nhà khảo cổ còn phát hiện nơi đây còn có những xác ướp đặt trên vách đá cheo leo.

Nền văn hóa lâu đời

Thành trì mang tên Kuelap được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 Công nguyên (CN), trước nền văn minh rực rỡ của người Inca đến 700 năm. Không chỉ để lại những tác phẩm bằng đá độc đáo, khu vực này còn nổi tiếng với các xác ướp.

Những người thuộc giới tinh hoa của nền văn minh Chachapoya được bảo quản thi hài theo các kỹ thuật truyền thống của người Inca, đứng trên các vách đá cao nhìn xuống các khu định cư trong thung lũng. Vào năm 1997, người ta còn tìm thấy nhiều thi thể hơn nữa tại một nơi lưu giữ lớn ở phía Nam Kuelap, trong vùng Laguna de Los Condores của Peru.

Con người xâm nhập khu vực này cách đây khoảng 2.400 năm - vào năm 400 trước CN. Tại đây, người Chachapoya đã xây dựng pháo đài vĩ đại của họ vào thế kỷ thứ 6 và tiếp tục bổ sung các công trình chung quanh, cho đến khi người Inca chinh phục vùng đất này vào những năm 1400.

Kuelap là trung tâm chính trị xã hội của người Chachapoya thời tiền Inca, phát triển thịnh vượng từ năm 900 - 1400 CN. Những gì họ để lại rất hoành tráng và đồ sộ, đặc biệt là một lâu đài trong mây có chiều dài gần 600m, được bao quanh bởi những bức tường đá cao gần 20m.

Tuy nhiên, pháo đài kiên cố này cũng không thể cứu “những chiến binh mây” khỏi thất bại trước cuộc chinh phục của người Inca vào những năm 1470 CN. Ngay cả khi thất bại, họ vẫn kiên cường chống lại những nỗ lực của thế lực thống trị nhằm trục xuất họ khỏi vùng đất của tổ tiên. Vào năm 2017, một nghiên cứu cho thấy, những người bản địa trong khu vực này vẫn là người Chachapoya về mặt di truyền.

Triều đại của người Inca chỉ kéo dài một thế kỷ, trước khi họ và khu vực của người Chachapoya lần lượt bị chinh phục bởi người Tây Ban Nha vào những năm 1570 CN. Sau đó, Kuelap bị bỏ hoang trong vài trăm năm, cho đến khi nó được một thẩm phán từ thành phố gần đó phát hiện vào năm 1843. Tuy nhiên, do xa xôi hẻo lánh, bị sự nổi tiếng về du lịch của Machu Picchu che khuất, nó không được khai quật cho đến cuối những năm 1990. 

Thành phố pháo đài

Kuelap là một khu định cư có tường kiên cố bao quanh. Những bức tường được xây bằng các khối đá vôi, một số nặng gần 3 tấn, gia công tinh xảo, chạm khắc trên đó hình dạng các loài vật, hoặc khuôn mặt kỳ lạ.

Thành phố có ba lối vào, hai ở phía Đông và một ở phía Tây. Lối vào chính dường như được xây dựng để phòng thủ, dốc cheo leo và hẹp dần cho đến khi chỉ đủ cho một người lách qua.

Bên trong các bức tường khép kín có hơn 550 cấu trúc, hầu hết đều hình tròn, chỉ một số ít có tường dựng đứng. Một số cấu trúc đã được phục hồi, phần còn lại nằm trong đống đổ nát, ẩn mình bên dưới thảm thực vật dày nhiều năm chưa được khai quật.

Ở phía Nam của khu định cư có một cấu trúc lớn hơn nhiều, đó là một tòa tháp hình nón ngược cao 5,5 m, được đặt tên là “El Tintero”, có nghĩa là “giếng mực” theo tiếng Tây Ban Nha. Các nhà khảo cổ cho rằng, tòa tháp có thể đã được sử dụng như một đài quan sát Mặt trời.

Ở phía Tây Bắc có Pueblo Alto (“thị trấn cao”), một khu vực khép kin với những bức tường cao 11,5 m. Gần khu phức hợp kín này là Torreón (“tháp”), tòa nhà cao nhất tại Kuelap, dường như được sử dụng vào việc bảo vệ khu vực.

Chính ở đây, người ta tìm thấy bằng chứng về cách người Chachapoya đối với người chết trước cuộc chinh phục của người Inca. Rất nhiều ngôi mộ đã được tìm thấy bên trong các bức tường và trong các cấu trúc hình tròn. Tập quán chôn cất này đã được thay thế bằng ướp xác sau cuộc xâm lược của người Inca.

Những xác ướp trong quách hình người đặt nơi vách đá.
Những xác ướp trong quách hình người đặt nơi vách đá.

Xác ướp trên vách đá

Khắp khu vực Kuelap đầy rẫy tàn tích, khu chôn cất, quan tài, xác ướp và các đồ tạo tác do người Chachapoyas và những kẻ chinh phục Inca để lại. Các nhà sử học cho rằng, gần 90% tàn tích trong khu vực vẫn chưa được khám phá.

Nhưng những gì nổi bật và dễ nhận thấy nhất mà người Chachapoya để lại cho cảnh quan đến từ các khu chôn cất bên vách đá. Những nơi an nghi của người chếtđược khoét sâu vào bề mặt đá cheo leo và các xác ướp được đặt trong những chiếc quách hình người dựng đứng, giống như thể người chết đang quan sát cư dân từ trên cao. Không rõ bằng cách nào mà người ta mang được xác ướp đặt trên mặt vách đá ở khu vực hoang sơ hiểm trở, đầy nguy hiểm như vậy.

Theo nhà nhân chủng học và chuyên gia về xác ướp, Sonia Guillen, các nơi giấu xác ướp được tìm thấy tại Laguna de Los Condores đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về hài cốt con người. Các nhà khoa học có thể kiểm tra các cơ quan nội tạng để tìm ra bệnh tật của cư dân thời đại đó. Hiện, có 219 xác ướp ở Bảo tàng Leymebamba, phía Nam Kuelap, đang chờ nghiên cứu.

Kuelap hiện là ứng cử viên cho danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO. Nếu được công nhận, di tích sẽ được bảo vệ chặt chẽ để mọi người hiểu được nền văn hóa độc đáo này.

Trước đây, đến địa điểm này phải mất hai ngày đi bộ lên núi. Tuy nhiên, với sự ra đời của một tuyến cáp treo mới, hiện nay khách du lịch có thể đến pháo đài giữa lưng trời chỉ trong một giờ.

Có trước người Inca hơn 6 thế kỷ, nền văn hóa Chachapoya phát triển mạnh mẽ từ khoảng năm 800 CN ở một khu vực gồm những ngọn núi ngoằn ngoèo, hẻm núi sâu và thác nước cao chót vót. Tại đây, một xã hội liên kết lỏng lẻo của cacicazgos (các vương quốc nhỏ) dần dần hình thành, đóng vai trò trung gian giao thương giữa dãy Andes và Amazon. Cư dân ở đây có thể lên đến 500.000 người vào thời kỳ hưng thịnh nhất. 
Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.