Lãng tử - đa tài
Là một trong những người đăng tin nhà thơ Phan Vũ ra đi từ sớm trên trang cá nhân, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên xúc động chia sẻ rằng ông biết Phan Vũ muộn, khoảng những năm cuối đời. Thế nhưng, ông rất vui vì luôn được bậc cao niên coi như một người em, người bạn. Mỗi lần từ Hà Nội vào Sài Gòn, ông đều đến gặp gỡ, trò chuyện, uống rượu, đọc thơ cùng Phan Vũ.
Nhất là, ông đã từng tổ chức đêm giới thiệu tập thơ “Ta còn em” của Phan Vũ ở Sài Gòn. Vậy nên, với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, điều đầu tiên để nói về Phan Vũ thì ông gói gọn trong từ: “Hay”. Hay trong ứng xử bạn bè, hay trong cuộc sống, hay trong văn thơ. Không bao giờ Phan Vũ bắc bậc tuổi tác mà luôn là người đồng điệu. Ai lớn tuổi, nhỏ tuổi đều coi như bạn, chan hòa, bình đẳng.
Khi nói đến cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Phan Vũ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bảo, bạn bè - giới văn nghệ đều đồng tình gọi ông là một nghệ sĩ đa tài, một “chàng lãng tử không tuổi”. Năm ấy, anh chiến sĩ quê Hải Phòng tên là Trần Hồng Hải đã chuyển sang hoạt động nghệ thuật, làm sân khấu, làm điện ảnh và được người trong giới biết đến từ sớm với nghệ danh Phan Vũ.
Phan Vũ bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1956 và cho đến tận những ngày tháng cuối đời trên trang cá nhân của ông vẫn dạt dào với những: “Tản mạn số 1”, “Tiệc cuối”, “Nợ nần”, “Gửi em cánh hoa chiều”… Không chỉ thế, Phan Vũ còn là tác giả của những kịch bản sân khấu như “Thanh gươm và bà mẹ”, “Lửa cháy lên rồi” (giải Nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1955); kịch bản phim “Dòng sông âm vang”. Ông cũng từng đạo diễn các phim “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”. Và khi đã bước sang tuổi cổ lai hy ông cầm cọ vẽ, đã mở triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” ở TPHCM…
Mãi ngân: “Em ơi! Hà Nội phố”
Thế nhưng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lưu ý, với công chúng, có lẽ Phan Vũ được biết đến bắt đầu từ bài hát “Em ơi! Hà Nội phố” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc 21 câu thơ từ bài thơ cùng tên của ông (năm 1985).
“Em ơi! Hà Nội - phố” được viết từ năm 1972 nhưng đã không được in báo, một phần vì quá dài nhưng phần nhiều vì bài thơ được sáng tác chưa hợp thời - cái thời đất nước đang chiến tranh nên cần những tiếng thơ hô hào cổ vũ tinh thần chiến đấu hơn là thứ thơ mang tính lãng mạn, hào hoa. Mãi đến năm 2009, bài thơ mới được in đầy đủ trong tập “Thơ Phan Vũ”.
Và, khi bản nguyên tác này đến với độc giả thì nhiều người nhận ra rằng, nếu chỉ nghe những câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đã khiến bao người đắm say thì khi đọc hơn 400 câu thơ của “Em ơi! Hà Nội - phố” mỗi người còn thêm say đắm trước một Hà Nội rất hào hoa thanh lịch - Hà Nội của ngày xưa, Hà Nội của thời hoa niên và đó cũng là của một phần đời đã sống ở Hà Nội của Phan Vũ.
“Em ơi! Hà Nội - phố” không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Điệp từ “Ta còn em, ta còn em”... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được”. Sinh thời, khi lần đầu ra Hà Nội đọc nguyên tác bài thơ “Em ơi! Hà Nội - phố” nhà thơ Phan Vũ đã chia sẻ như thế.
Còn với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ngoài một Phan Vũ “hay”, một Phan Vũ “lãng tử” thì trong ông: “Phan Vũ - người cuối cùng của một thế hệ rất đẹp. Họ đẹp trong lý tưởng cuộc sống, lý tưởng văn chương nghệ thuật. Họ đẹp trong sự dấn thân cả trong cuộc đời và nghệ thuật. Họ cũng trải nhiều cay đắng nhưng vẫn giữ được lòng đam mê và người ít người nhiều cũng đã đóng góp cho văn chương nghệ thuật những tác phẩm xứng đáng. Với riêng Phan Vũ, ông để lại cho chúng ta câu nói mà đến giờ ai cũng thốt lên: “Em ơi! Hà Nội phố”.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Vĩnh biệt người bạn vong niên thân thiết nhất của tôi!”
Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin nhà thơ Phan Vũ đã ra đi bởi sinh – lão - bệnh - tử là lẽ thường của tạo hóa. Ông sinh năm Bính Dần (1926), năm nay đã 95 tuổi ta và 94 tuổi Tây. Như thế cũng đã là thọ so với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ khác đã ra đi trước đó. Cách đây gần một năm, tôi có vào thăm ông ở Bệnh viện quận Phú Nhuận. Gặp tôi từ ngoài Hà Nội vào ông rất vui, ngâm thơ rồi hát ả đào: “Hồng hồng tuyết tuyết mới ngày nào chửa biết cái chi chi” - ông như trẻ lại. Đấy là kỷ niệm cuối cùng của tôi về ông, một người bạn vong niên thân thiết nhất của tôi.
Tôi là người đã gần ông trong những giai đoạn trầm luân nhất, khi ông bị tổ chức Xưởng phim nơi ông công tác theo dõi vì chơi thân với những người trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm và cũng là giai đoạn thăng hoa nhất của ông khi ông đặt bút viết những dòng thơ đầu tiên của trường ca bất hủ “Em ơi! Hà Nội - phố”.
- Nhà thơ Phan Vũ
Trong những ngày đau thương nhất của Hà Nội khi bom B52 dội xuống thành phố, còi báo động liên miên suốt đêm, sáng ra đường mặt ai cũng phờ phạc vì mất ngủ… thì lại là lúc nhà thơ thấy mình gắn bó với mảnh đất này nhiều nhất và những kỷ niệm bừng thức dậy trong ông để thai nghén ra trường ca “Em ơi! Hà Nội - phố”.
Hồi đó viết xong khổ thơ nào là ông lại đọc cho tôi nghe. Tôi thuộc từng góc phố, từng con người gắn liền với những kỷ niệm của ông được miêu tả trong bài thơ. Đó là những năm cuối 60 và đầu 70 của thế kỷ trước tại Hà Nội. Tôi cho đó là quãng thời gian có ý nghĩa nhất đối với ông, hình thành nên con người nhà thơ Phan Vũ như chúng ta biết ngày nay. Sau này khi vào TP Hồ Chí Minh ông vẫn làm thơ nhưng không có bài nào đầy ắp cảm xúc như trường ca “Em ơi! Hà Nội - phố”. Những giá trị đích thực của nghệ thuật chỉ có thể ra đời trong một thời diểm nhất định nào đó, khi khổ đau và bi kịch cũng như tình yêu thương tột cùng đối với ai đó, mảnh đất nào đó đã hòa quyện vào nhau làm một.