Một Phan Vũ màu sắc với tập thơ “Ta còn em”

GD&TĐ - Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh. Cuối tháng 4/2018, ông cho ra mắt tập thơ “Ta còn em”. Tập thơ này cho thấy một Phan Vũ phong phú hơn, màu sắc hơn như chính những bức vẽ của ông.

Một Phan Vũ màu sắc với tập thơ “Ta còn em”

“Tháng Chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời hăm dọa ‘đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá’, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi! Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.”

Đó là lời của nhà thơ Phan Vũ khi nói về “Em ơi! Hà Nội phố”, bài thơ được ra đời trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom xối xả. Giờ đây, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những câu thơ ấy dường như vẫn vẹn nguyên giá trị.

Trong tác phẩm “Ta còn em” bao gồm hai phần: phần Trường ca là bài “Em ơi! Hà Nội phố” nổi tiếng, phần Thơ gồm những bài thơ tác giả sáng tác qua nhiều năm, trong đó có cả những bài mới công bố lần đầu.

Nhưng Phan Vũ không chỉ có “Em ơi! Hà Nội phố”. Tập thơ này sẽ cho thấy một Phan Vũ phong phú hơn, màu sắc hơn như chính những bức vẽ của ông.

Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh. Ông sinh năm 1926 tại Hải Phòng. 20 tuổi ông đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và miền Tây Nam bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Cùng thời gian ông có tham gia biên tập báo Nhân Văn. Năm 1972, ông viết bài trường ca nổi tiếng “Em ơi! Hà Nội phố”. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ trở lại Sài Gòn và làm việc tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Từ đầu thập kỷ 1990, ông chủ yếu vẽ tranh.

Phan Vũ từng có các tác phẩm như: Kịch bản: “Lửa cháy lên rồi” (Giải nhì của Hội Văn Nghệ Việt Nam, 1955); “Hà Nội”; “Thanh gươm và bà mẹ”; “Dòng sông âm vang”, “Ngọn lửa thành đồng”; và Thơ: “Phan Vũ thơ” (Nxb Văn học, 2008); Phim truyện: đạo diễn phim “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”.

Có thể nói, “Ta còn em” là lần đầu tiên một tập thơ của Phan Vũ được thực hiện công phu cả về nội dung và hình thức. Thơ Phan Vũ không đi sâu khai thác con chữ con âm, nhìn chung thơ ông giàu tính tự sự, mạnh về hình ảnh và cảm xúc. Giản dị thôi mà rung động lòng người.

Nhận định về tập thơ này của Phan Vũ, nhà thơ Dương Tường cho rằng: “Nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm (dominante) là một vị ngọt ngào thơ man mác tình.”

Nhạc sĩ Phú Quang, người phổ nhạc bài thơ thì kể lại: “Một ngày ngẫu nhiên tôi gặp ông Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Ông đưa tôi một bài thơ thật dài: “Em ơi! Hà Nội phố”. Dù chỉ là lần đọc đầu tiên nhưng tôi có cảm giác như đã đọc từ rất lâu rồi, bởi vì bài thơ như chính những điều tôi nghĩ đến.”

Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ

Nắng chiều phai

La đà cành phượng vĩ

Bông hoa muộn in hình ngọn lửa…

Chiếc lá rụng

Khởi đầu nguồn gió

Lao xao sóng biếc Tây Hồ

Hoàng hôn xa đến tự bao giờ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ