Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Trung tâm Tri thức về Kinh tế Tuần hoàn: Thúc đẩy Nghiên cứu đa ngành, Nâng cao Năng lực và Lãnh đạo" của chương trình “Kết nối xây dựng Môi trường Nghiên cứu” do quỹ New Fund tài trợ. Các chuyên gia đã thảo luận về định hướng phát triển của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại miền Trung.
Các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề về Cơ hội và tiềm năng khi áp dụng nền Kinh tế tuần hoàn trong Doanh nghiệp và Khởi nghiệp; mô hình Kinh tế Tuần hoàn từ góc nhìn của chuyên gia; Phân tích chuỗi giá trị của nhà sản xuất và tiêu thụ nhựa, đánh giá và so sánh vòng đời cua túi nilon và các vật liệu thay thế ở Việt Nam; Chia sẻ thực tiễn từ góc nhìn doanh nghiệp; Thảo luận về định hướng phát triển và áp dụng của Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam.
Từ góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đã nêu lên sự cần thiết của vai trò của nền KTTH trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên; mô hình kết nối 3 nhà (Đại học- Doanh nghiệp – Nhà nước) và các bên có liên quan nhằm liên kết khoa học với thực tiễn, huy động nguồn lực.
Phân tích chuỗi giá trị của nhà sản xuất và tiêu thụ nhựa, đánh giá và so sánh vòng đời của túi nilon và các vật liệu thay thế ở Việt Nam- PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã nêu lên hiện trạng sản xuất và tiêu dùng nhựa; đồng thời nêu ra giải pháp quản lý chất thải tuần hoàn.
Hiện dự án “Nghiên cứu, xây dựng và phát triển kinh tế Thành phố tuần hoàn” đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt”.
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng; Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG TP.HCM; Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng; Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.