Phận người nơi chợ đêm ở Sài Gòn

Khi mọi người vừa chìm vào giấc ngủ thì cũng là lúc những ngôi chợ đầu mối ở TPHCM bắt đầu sôi động. Tiếng xe máy, xe tải nườm nượp ra vào, tiếng hô chạy của phu đẩy xe hàng, tiếng ới nhau của những cửu vạn...

Ánh điện sáng choang, nhộn nhịp tại lồng D, chợ nông sản thực phẩm Bình Điền (Quận 8)
Ánh điện sáng choang, nhộn nhịp tại lồng D, chợ nông sản thực phẩm Bình Điền (Quận 8)

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đã theo chân họ vào các chợ đầu mối ở TPHCM. Đồng hồ chỉ 0 giờ, chúng tôi có mặt tại chợ nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8).

Vừa bước chân vào lồng B chuyên về hàng rau củ, đập vào mắt chúng tôi là người đàn ông có dáng người khắc khổ. Anh tên Huỳnh Văn Nam - 23 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh, đang mưu sinh để nuôi ba đứa con.

Nặng gánh vai cha

Học dang dở lớp 10, Nam theo mẹ ra chợ, buôn bán mặt hàng bầu, bí, dưa leo… Chợ búa cũng là nơi anh bén duyên, lập gia đình. Anh nối gót nghề mở riêng một vựa chuyên bán gia vị gồm: hành, tỏi, ớt, sả…

Chủ vựa trẻ này nói như người từng trải: “Tay làm thì hàm mới có nhai, lập gia đình sớm thì buộc tôi phải có trách nhiệm. Đứa 4 tuổi bi bô, đứa 3 tuổi bập bẹ, đứa 2 tuổi luấy nguấy, thấy rõ sự khó khăn trước mắt. Ráng buôn bán kiếm tiền để lo cho vợ con”.

Những đứa con chưa đến tuổi phải chật vật với miếng cơm manh áo nhưng với anh mọi thứ như vào guồng. Từ 9 giờ tối anh bắt đầu đến chợ, dọn hàng, bào sả, xay sả, dồn bịch, cân cho bạn hàng, rồi đi giao hàng đến 8, 9 giờ sáng hôm sau.

Đôi tay thoăn thoắt, ít nói, dăm ba phút lại lắc đầu hất mái tóc lộ rõ khuôn mặt tỷ lệ nghịch với tuổi đời, với những lo toan gia đình của chàng trai trẻ này.

Sống qua ngày, có tiền đóng nhà trọ, mong không ốm đau, còn ăn uống mắm muối qua ngày vẫn được, miễn sao bầy con có hiếu. Đó là mơ ước cả đời của thân già này. 

Bà Huỳnh Thị Nở, phụ việc ở chợ nông sản Thủ Đức

Vòng qua nhà lồng D chuyên về hàng hải sản, tiếng ồn ào mặc cả giữa kẻ mua người bán, tiếng ầm ầm của những máy bơm ô xy cho tôm, cá giữa thùng chứa khổng lồ, nhà lồng này sáng choang rực rỡ bởi hàng ngàn ngọn đèn điện…

Ngồi cuối góc nhà lồng, anh Nguyễn Văn Hướng (37 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cặm cụi phân loại cua.

Cua này được các thương lái bỏ sỉ từ các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre… Anh đến chợ từ 7 giờ tối, ngồi tự phân loại ra cua mạnh, cua yếu, con chắc, con xốp để có giá thành tương ứng, kiếm thêm lời.

Thời thanh niên trai trẻ anh từng đi làm mướn cho vựa cua kiếm sống qua ngày, tích góp tiền để mở vựa riêng đến lúc có vợ cũng đã mười mấy năm trong nghề.

Anh lắc đầu nói: “Phải thức đêm, sống ngược thời gian với mọi người. Đó là chưa kể hải sản tuột giá, mà hải sản đã lỗ thì lỗ đậm. Ngày rằm, mùng 1 thì khó bán, nhưng nghề gì cũng không bằng nghề yêu thích, không bỏ được.

Mình là trụ cột gia đình, chịu thiệt, chịu khổ tí cũng không sao, miễn lo được cho vợ, cho con ăn học sau này”. Hỏi ra mới biết anh chỉ có mỗi đứa trai đầu lòng 4 tuổi, nhưng trách nhiệm gia đình và tình yêu thương vợ con luôn trên đôi vai anh.

Nằm sõng soài trên những thùng hàng khi chúng tôi đến, anh Trần Gia Tí (33 tuổi, quận 12) tại chợ nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức) nhanh nhảu bật dậy và chào hàng rất chuyên nghiệp. Anh vui vẻ giới thiệu là chủ vựa trái cây chủ yếu ổi, xoài, đu đủ, nhãn.

Một vợ, hai con, từ một thằng làm thuê đến chủ vựa là gần 15 năm anh thấm những giọt mồ hôi của những vất vả. Trái cây là mặt hàng phải bán trong ngày, sang hôm là lỗ nặng. “Bán ở chợ đêm đến 9 giờ sáng mai. Cực thì cực, nhưng phải để vợ ở nhà chăm con, lo việc nhà” - Anh cứng rắn nói.

Ráng gồng nuôi con

Phan nguoi noi cho dem o Sai Gon - Anh 2

Anh Nam đang cân sả xay bỏ cho bạn hàng

Im lặng đứng trước ô vựa của mình để bóc từng lớp lá già của bắp cải Đà Lạt, ông Nguyễn Hùng Cường (50 tuổi, H.Bình Chánh) là chủ vựa nhưng lủi thủi một mình, không gọi thêm người phụ.

Hai đứa con lớn, đứa năm nhất, đứa năm cuối Đại học Kinh tế TPHCM, còn đứa út mới lên 5 tuổi, nên mọi việc đều do đôi tay ông lo. Hỏi vì sao không gọi người phụ, ông quệt vội những giọt mồ hôi pha sương và trả lời:

“Gọi thêm người, coi như con học trên Sài Gòn bớt bữa ăn, đứa nhỏ ở nhà bớt lon sữa. Ráng gồng, nhìn con ăn học thành tài, sức nặng như đá tôi cũng gánh nổi”.

Gần 50 năm gắn với chợ

Trong biển người và biển hàng mênh mông ở chợ đêm , là những phận người lay lắt mưu sinh, với những ước mơ tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng nó là cả một mơ ước, để họ vươn lên trong cuộc sống này.

Gần 3 giờ sáng, rảo bước ở cuối khu nhà lồng B chợ nông sản thực phẩm Bình Điền, với đôi mắt tròn sắc ngọt, dù có tuổi nhưng nét mi vẫn đậm rõ, bà Cao Thị Tròng (62 tuổi, huyện Hóc Môn) bắt đầu ưa ứa nước mắt khi chúng tôi hỏi có mệt không.

Bà có một thâm niên đáng nể, 14 tuổi đã theo mẹ buôn bán ở chợ để nuôi các em ăn học, cả đời chỉ biết buôn bán, tấm lưng nhiều năm gồng nay đã còng nhưng vẫn gắn bó trắng đêm nơi này.

Bà bán chủ yếu rau củ, hằng ngày phải gom lấy đủ hàng từ chợ này qua chợ khác ở huyện Hóc Môn, chiều tối mang xuống chợ Bình Điền.

Khi hỏi về gia đình về con, câu hỏi tưởng chừng đơn giản, mà nước mắt giàn giụa làm nhòe cả khuôn mặt bà, làm chúng tôi cũng chạnh lòng.

“Tôi không chồng không con, buôn bán ở chợ, ở với em và cháu, trời thương sao chừng này tuổi rồi, không đau không ốm. Sống cứ sống, chứ chẳng biết sau này thế nào” - Bà nghẹn ngào.

Hóa ra nỗi đau về một gia đình, về những đứa con, một điểm tựa… cũng lại là một ước mơ ẩn nấp lâu nay trong một con người cả đời đi theo những bao hàng, trôi dạt theo từng mớ rau bởi nghiệp sinh nhai.

Đôi mắt sâu vành và thâm quầng, hốc hác, phờ phạc vì mất ngủ nhưng anh Bùi Văn Minh (36 tuổi, huyện Châu Đốc, An Giang) vẫn cố đứng đợi thêm 15 kg cà tím để chất lên xe chở về.

Suốt 8 năm vừa chạy xe đi lấy hàng thuê, vừa về bán cho chủ hàng. Một chuyến hàng chỉ 300.000 đồng, cùng với đồng lời ít ỏi từ việc bán cháo dinh dưỡng của vợ, chẳng dư là bao.

Mơ ước về những ngày tiếp theo, rất giản đơn nhưng ẩn chứa cái chí lam lũ cần cù làm ăn. Anh thở ra và nói: “Đêm nào cũng bươn ở chợ đêm, nhiều lúc uể oải lắm, mơ ước một ngày chở hàng cho chính mình, tự mở cửa hàng bán nhưng... ngày ấy chắc còn xa”.

Phan nguoi noi cho dem o Sai Gon - Anh 3

Mẹ con bà Nở lầm lũi tuốt lá rau muống tại chợ đầu mối Thủ Đức

Chật vật giữa dòng đời nhưng ai cũng có một ước mơ, như anh chàng người Bạc Liêu tên Lý Minh Tự (30 tuổi) không biết một con chữ nhưng tính toán rất nhanh. Gần 10 năm làm thuê cho vựa ở chợ Bình Điền, 7 giờ tối đến 9 giờ sáng hôm sau chỉ để nuôi một ước mơ xây nhà cho ba mẹ, rồi cưới vợ…

Vất vả đời làm thuê nhưng anh vẫn lạc quan: “Mơ ước ấy khó với tôi, nhưng mỗi một ngày luôn nghĩ về căn nhà để phụng dưỡng ba mẹ, là một ngày rút ngắn thời gian làm việc hết mình để thực hiện ước mơ”.

Chợ đêm còn có nhiều phận đời, từ bán vé số dạo đến những nghề phụ khác cũng gắn vào mưu sinh.

Hai mẹ con bà Huỳnh Thị Nở (61 tuổi, Q.6) từ 5 giờ chiều đã bắt xe buýt đến chợ nông sản Thủ Đức để tuốt lá rau muống. Phải mất 1 tiếng đồng hồ tuốt một bó rau 7 kg, mẹ con bà mới kiếm được 8.000 đồng. Cả đêm hai mẹ con chỉ kiếm được 160.000 đồng, để đóng phòng trọ 40.000 đồng/ngày, còn lại cơm nước.

Sau ly hôn, một nách 5 con, tất cả trông vào đôi vai gầy guộc, tấm lưng nhỏ nhắn, đôi cánh tay khẳng khiu, ngày qua ngày bà bám chợ mà sống để nuôi các con, và bà đã dựng vợ gả chồng được cho 3 đứa lớn trong nghèo khổ.

Bà chia sẻ: “Sống qua ngày, có tiền đóng nhà trọ, mong không ốm đau, còn ăn uống mắm muối qua ngày vẫn được, miễn sao bầy con có hiếu. Đó là mơ ước cả đời của thân già này”.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.