Cần hiểu rõ bản thân
Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh, trường THPT Nguyễn Du (Nam Định) cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT giúp các em có lộ trình học tập đúng đắn và tự tin vào lựa chọn của mình. Cùng với đó là lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường nghề nghiệp. Qua đó, các em sẽ hạn chế được rủi ro làm trái ngành, thất nghiệp khi theo đuổi những ngành không phù hợp. Đồng thời, khi được lựa chọn theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích, các em sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm, hơn là chỉ tập trung học lấy tấm bằng.
Cô Hạnh cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh THPT rất quan trọng. Chính vì thế gia đình và nhà trường cần giúp học sinh hiểu rõ bản thân mình, biết mình đam mê lĩnh vực nào, có năng lực ở nhóm công việc gì, muốn làm nghề gì và trở thành ai trong tương lai.
Việc hiểu rõ bản thân giúp các em có động lực vượt qua được các định kiến nghề nghiệp của xã hội, có cơ sở để không phải chọn theo số đông, theo kỳ vọng của mọi người xung quanh bởi không phải khuynh hướng nào cũng phù hợp với từng cá nhân.
Bên cạnh đó, việc hiểu rõ chính mình giúp các em có niềm tin vào bản thân, xác định mục tiêu, lộ trình học tập phù hợp. Gia đình và nhà trường không nên ép buộc hay có các lời khuyên mang tính giả định gây hoang mang tâm lý của các em. Thay vào đó cần thể hiện rõ vai trò đồng hành, khuyên nhủ, động viên. Có thái độ sẵn sàng chia sẻ và giúp các em hiểu ý nghĩa của việc hiểu rõ chính mình.
Thế mạnh và sở thích là hai yếu tố luôn song hành cùng nhau khi chọn ngành, chọn nghề. Việc xác định đúng thế mạnh và sở thích này giúp các bạn học sinh THPT chọn được ngành nghề mang lại hứng thú, phát huy được thế mạnh. Theo đó, việc chọn ngành, chọn nghề cần đảm bảo cùng lúc cả hai tiêu chí này.
Chẳng hạn, khi các bạn có mong muốn trở thành bác sĩ và đặt mục tiêu vào Đại học Y Dược, các bạn bắt buộc phải thi vào ngành Y Đa khoa với điểm thi Đại học gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu xác định được năng lực của mình có thể không đạt đến mức đó, các bạn có thể chọn các ngành khác thuộc Đại học Y Dược với mức điểm thấp hơn như Dược học, Răng Hàm Mặt, Kỹ thuật phục hồi chức năng,… Như vậy, bạn sẽ vừa có thể làm việc trong lĩnh vực Y học, vừa làm công việc phù hợp với năng lực.
Bên cạnh đó, thế mạnh của mỗi người cũng có thể được nhìn nhận rất đúng qua những người xung quanh. Do đó, các bạn cũng có thể trao đổi lấy ý kiến, đánh giá, nhận xét từ thầy/cô, bạn bè và gia đình xem bản thân có thế mạnh gì. Từ đó, cân nhắc và đưa ra các tổng hợp chung nhất để khai thác triệt để các thế mạnh đó.
“Nói đến sự phù hợp, các bạn học sinh THPT cần xác định nhiều yếu tố liên quan đến ngành, nghề mình dự định lựa chọn. Đó là điều kiện kinh tế của gia đình của đáp ứng được mức chi phí để theo đuổi ngành, ngoại hình của mình có phù hợp với đặc thù của ngành, chiều cao hoặc sức khỏe của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành,…”, cô Hạnh nói.
Điều này rất quan trọng bởi khi đã xác định được thế mạnh, đam mê, nhưng lại không đáp ứng được các yếu tố về sự phù hợp kể trên, các bạn sẽ phải đối diện với áp lực rất lớn để chạy theo ngành, nghề đó.
Cần có kế hoạch học tập
Cũng theo cô Hạnh, sau khi xác định được các yếu tố liên quan đến bản thân, các bạn học sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu về ngành, nghề mình dự định chọn và nhu cầu nhân lực trong tương lai. Với tốc độ phát triển rất nhanh của xã hội hiện nay, có rất nhiều ngành, nghề có nguy cơ biến mất.
Do đó, các bạn học sinh phải xác định được trong những năm tới, ngành nghề mình định chọn có nguy cơ bị bão hòa hay không, thị trường lao động và xu hướng việc làm trong tương lai là tăng hay giảm, tỉ lệ cạnh tranh là cao hay thấp. Hoặc mức thu nhập bình quân mà mình có thể nhận được ra sao,…
Sau khi đã chọn được ngành, nghề phù hợp, các bạn học sinh THPT cần lên kế hoạch học tập một cách cẩn thận và sát sao để đạt được các kết quả học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần có kế hoạch tham gia các cuộc thi về học tập, tài năng, các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa như tình nguyện, trại hè,… Việc này giúp các bạn xây dựng một hồ sơ học tập nổi bật, đáp ứng yêu cầu đầu vào của trường hoặc của ngành, nghề mình lựa chọn.
Việc tự trải nghiệm, cọ xát thực tế, tham gia thực hành các hoạt động liên quan đến ngành nghề giúp các bạn học sinh nhìn nhận được công việc tương lai dưới góc độ thực tiễn hơn. Từ đó, các bạn sẽ có các hình dung chính xác hơn về công việc. Bên cạnh đó, các bạn cũng sẽ rút ra được các kinh nghiệm, cách đánh giá đúng đắn hơn về sự phù hợp của bản thân với ngành, nghề.