Hội tụ 3 yếu tố
Thủ khoa Nguyễn Kiều Vi, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của mỗi cá nhân. Theo một số thống kê, vài năm trở lại đây, mỗi mùa thi Đại học đến có tới hơn hai phần ba các thí sinh đăng ký lựa chọn học các khối ngành kinh tế.
Trong khi đó nhân lực khối ngành xã hội và kỹ thuật chất lượng cao lại đang thiếu hụt. Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực như hiện nay một phần là do định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT còn rất hạn chế và yếu kém dẫn đến việc các em học sinh không có được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình.
Theo thủ khoa Nguyễn Kiều Vi, học sinh trung học phổ thông muốn có được định hướng nghề nghiệp tốt phải hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn được dành mọi sức lực và tâm huyết để theo đuổi ngành nghề đó.
Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Mỗi cá nhân phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự chuẩn bị cũng như chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp với năng lực của bản thân.
Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và định hướng chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học hoặc trường dạy nghề, ngành nghề đó liệu có đem lại cơ hội cạnh tranh cho các em học sinh trong quá trình tìm kiếm việc làm sau này hay không.
Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu dựa trên sở thích và lời khuyên của gia đình, chứ chưa thực sự nắm được khả năng của mình có phù hợp với nghề nghiệp hay không. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm sau khi ra trường, làm lãng phí nguồn đào tạo của xã hội và lãng phí nhân lực trẻ.
Việc giáo dục hướng nghiệp hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Bởi học sinh THPT chính là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Đây là yếu tố quan trọng trong định hình nền kinh tế xã hội trong tương lai.
Thủ khoa Nguyễn Kiều Vi cho rằng, sau khi xác định được các yếu tố kể trên và đã đặt ra được các định hướng tương lai, các bạn học sinh cũng cần xác định sẵn sàng phương án 2 để dự phòng các bất trắc không mong muốn. Việc này giúp bản thân các bạn cũng như gia đình, nhà trường yên tâm hơn trong quá trình các bạn học tập đến lúc chinh phục được mục tiêu.
Giả sử, nếu như các bạn mong muốn theo đuổi ngành Xã hội học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thì các bạn có thể đặt phương án dự phòng trong trường hợp không đủ điểm đậu vào ngành này thì có thể chọn ngành Công tác xã hội với mức điểm thấp hơn.
Có thể thấy, việc hướng nghiệp cho học sinh THPT không đơn giản chỉ là chọn ngành, chọn nghề. Việc này cần trải qua nhiều giai đoạn mà ý nghĩa chính của các giai đoạn này là giúp các bạn học sinh xác định đúng bản thân và các mong muốn của mình. Từ đó, các bạn sẽ có các phương án chủ động từ khi còn trong quá trình học đến khi đạt được mục tiêu nghề nghiệp.
Hướng nghiệp theo độ tuổi
Theo thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Văn hoá Hà Nội, tuỳ từng độ tuổi ở 3 năm cuối cấp THPT mà có những hoạt động hướng nghiệp khác nhau.
Lớp 10 là giai đoạn khám phá. Ngay từ bắt đầu năm học lớp 9, các em sẽ bắt đầu tìm hiểu về các ngành nghề tiềm năng và khám phá bản thân thông qua các bài trắc nghiệm về tính cách, xác định sở thích, đam mê, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Đồng thời, các tài liệu Cẩm nang hướng nghiệp cũng được các thầy cô cố vấn chia sẻ các thông tin chi tiết về ngành nghề trong tương lai và các yêu cầu liên quan tới ngành học.
Ở lớp 11 là giai đoạn tăng tốc trong hướng nghiệp. Sau quá trình tìm hiểu bản thân, trải nghiệm thực tế như tham gia các chương trình kiến tập hướng nghiệp, các em học sinh đều được tự thiết kế lộ trình học tập phù hợp với đam mê của mình. Mục đích để hướng đến ngành nghề và trường đại học mình theo đuổi trong tương lai.
Không chỉ vậy, các em còn nhận được sự đồng hành, tư vấn của các thầy cô cố vấn học tập giúp xây dựng kế hoạch và mục tiêu phù hợp với định hướng chọn ngành, chọn trường của mình.
Ở giai đoạn này, tùy vào mục tiêu, học sinh sẽ được tư vấn tham gia các hoạt động ngoại khóa chuyên sâu, hoạt động tình nguyện hoặc CLB ngoại khóa và hoàn thành các bài thi chuẩn hóa, sẵn sàng cho kế hoạch ứng tuyển Đại học sớm.
Lớp 12 là giai đoạn về đích. Lúc này, học sinh lớp 12 cần được khuyến khích dành thời gian tham quan các trường Đại học đang cân nhắc để tìm hiểu trải nghiệm thực tế trường mà các em mong muốn theo học. Các em cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cố vấn học tập để chuẩn bị những hồ sơ cần thiết để ứng tuyển đại học.