Phần Lan nêu lý do muốn gia nhập NATO

GD&TĐ - Phần Lan nêu lý do chính khiến nước ông mong muốn gia nhập NATO là mối đe dọa hạt nhân của Nga sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto.

Nói với hãng tin Kyodo trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 4/12, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết việc gia nhập NATO chủ yếu là do các mối đe dọa hạt nhân của Nga.

Theo ông, với việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tình hình an ninh ở châu Âu thực sự đã thay đổi. Với suy nghĩ này, Phần Lan phải suy nghĩ về "cách phản ứng" và "nhận hỗ trợ ở đâu" trong trường hợp xảy ra mối đe dọa vũ khí hạt nhân và hóa học. Đây là yếu tố cơ bản dẫn đến quyết định gia nhập NATO.

Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, tuy nhiên, nỗ lực gia nhập của họ ngay lập tức bị ngăn cản bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này yêu cầu 2 nước Bắc Âu trên phải tuyên bố các tổ chức người Kurd là tổ chức khủng bố, dẫn độ những người bị cáo buộc hoạt động khủng bố hoặc hỗ trợ tiếp tay cho âm mưu đảo chính năm 2016 về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ankara yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hội đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andresson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 28/6 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO do Madrid tổ chức.

Các cuộc đàm phán trên đã mang lại một bản ghi nhớ về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO và nó sẽ được tất cả các quốc gia thành viên của khối phê chuẩn.

Hiện tại chỉ có 2 trong số 30 quốc gia thành viên NATO là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là chưa đồng ý Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Cụ thể, Ankara yêu cầu Stockholm và Helsinki đổi lấy việc phê chuẩn dẫn độ các nhà hoạt động người Kurd có liên quan đến các hoạt động khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những người liên quan đến âm mưu đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Những người này bao gồm các cựu sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng làm việc trong các tổ chức quốc tế của NATO trước khi tị nạn ở Phần Lan và Thụy Điển.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ