“Ngày 2/12/2022, G7 và Australia, với tư cách là thành viên hiện tại của Liên minh Giới hạn Giá, đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa 60 USD/thùng đối với dầu thô có nguồn gốc từ Nga” - tuyên bố nêu và cho biết quyết định sẽ có hiệu lực ngày 5/12/2022 hoặc rất sớm sau đó.
Trong một tuyên bố chung, các nước cho biết mức trần giá đối với các sản phẩm xăng dầu, được G7 và Australia nhất trí, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
"Chúng tôi nhắc lại quyết định của mình rằng, giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga sẽ có hiệu lực ngày 5/2/2023. Chúng tôi sẽ công bố mức giá tối đa cho các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga (một loại dành cho sản phẩm tinh chế có giá trị cao và một loại dành cho sản phẩm tinh chế có giá trị thấp) một cách riêng biệt" - tuyên bố khẳng định.
Ngoài ra, các quốc gia thuộc Nhóm G7 và Australia sẽ dần dần loại bỏ việc sử dụng dầu Nga trên thị trường nội địa của họ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố ngày 3/12 rằng mức trần giá dầu của Nga là 60 USD/thùng sẽ bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự gián đoạn trong việc cung cấp nhiên liệu.
Bộ Tài chính Mỹ tin rằng mức trần giá 60 USD sẽ đủ để Nga tiếp tục cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu.
“Mức trần giá 60 đô la/thùng, được thiết lập đủ cao để duy trì động cơ kinh tế rõ ràng để Nga tiếp tục bán dầu trên thị trường toàn cầu” - tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Theo chính phủ Mỹ, giá được đặt ở mức mà Nga đã chấp nhận trong lịch sử, cao hơn chi phí sản xuất và có thể so sánh với giá mà Nga đã bán dầu của mình trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.