Phần Lan lo chảy máu chất xám

GD&TĐ - Chính sách cắt giảm mạnh chi ngân sách cho đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học (khoảng nửa tỉ euro trong 4 năm) khiến nhiều giảng viên đại học nói riêng ra nước ngoài hoặc bỏ nghề. Nhóm chuyên gia học vấn cao này làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám tại quốc gia nổi tiếng thế giới về chất lượng giáo dục và đào tạo.

ĐH Helsinki sẽ cắt giảm gần 1.000 nhân viên đến cuối năm 2017
ĐH Helsinki sẽ cắt giảm gần 1.000 nhân viên đến cuối năm 2017

Tương lai mờ mịt

Thống kê mới nhất cho thấy số chuyên gia có trình độ học vấn cao rời bỏ Phần Lan với tỉ lệ cao hơn số chuyên gia nhập cư vào nước này. Nếu tính “bù trừ” thì trong giai đoạn từ 2005 - 2015 Phần Lan “thất thoát” 1.000 chuyên gia học vấn cao.

Xu hướng chảy máu chất xám xuất hiện cả ở mức học vấn cao nhất – Tiến sĩ. Theo số liệu của Cục Thống kê Phần Lan, số người Phần Lan có bằng Tiến sĩ ra nước ngoài tăng 37% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Lí do chính dẫn đến chảy máu chất xám được cho là bởi chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ đối với các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu nhận ngân sách nhà nước. Nhiều chuyên gia có học vấn cao đã rơi vào tình trạng thất nghiệp do hệ quả của chính sách này, trong khi một số chuyên gia khác nhận thấy dự án của họ dễ nhận được tài trợ nghiên cứu hơn tại các quốc gia như Thuỵ Điển, Đức, Nauy, Anh và Mỹ.

Jaakko Hameen, giảng viên Arab và Hồi giáo học - đã làm việc tại Đại học Helsinki 16 năm - cho biết, đã chuyển sang Scotland bởi chính phủ “cắt giảm ngân sách quá mạnh tay”. Theo Jaakko thì “tương lai dường như còn mờ mịt hơn” và hệ quả tệ hại nhất là những giảng viên trẻ tài năng nhất Phần Lan sẽ chuyển sang làm việc cho các trường đại học ở nước ngoài hoặc thậm chí là bỏ nghề giáo.

Các trường gặp khó

Các trường đại học Phần Lan đã khẳng định được vị trí trên bản đồ giáo dục với 8 trường đại học thuộc top 5% thế giới về chất lượng đào tạo, dẫn đầu là ĐH Helsinki ở vị trí 76.

Trước đây Phần Lan miễn 100% học phí cho sinh viên theo học tất cả các chương trình đại học, sau đại học về 4 nhóm ngành luôn cần nguồn nhân lực trình độ cao là: Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Kinh tế, Kĩ thuật và Y tá. Tuy nhiên, từ tháng 10/2015, trong bối cảnh phải cắt giảm chi và tăng thu ngân sách, chính phủ Phần Lan ra quyết định thu học phí sinh viên quốc tế kể từ kì nhập học tháng 8/2017.

Mức học phí tối thiểu được chính phủ Phần Lan đưa ra là 1.500 euro/năm, các trường sẽ dựa vào đó định ra chương trình học phí cụ thể cho từng khóa học. Tính tới ngày tháng 6/2016 đã có 14 trường đại học nghiên cứu và khoa học ứng dụng của Phần Lan công bố học phí được áp dụng chính thức từ khóa nhập học tháng 8/2017 cho sinh viên quốc tế.

Nguồn thu học phí chỉ đủ bù đắp phần nào khoản cắt giảm ngân sách của các trường. Theo tạp chí chuyên sâu về GD đại học quốc tế Times Higher Education, năm 2015, chính phủ Phần Lan “công bố ngân sách cơ bản cho 15 trường đại học và 26 trường cao đẳng sẽ bị cắt giảm khoảng 500 triệu euro trong giai đoạn 4 năm, bên cạnh đó cũng cắt giảm ngân sách nghiên cứu 100 triệu euro”. Bởi sự cắt giảm ngân sách này mà Đại học Helsinki cho biết, sẽ phải cắt giảm gần 1.000 nhân viên vào cuối năm 2017 tương ứng với mức giảm ngân sách.

“Hiển nhiên là việc cắt giảm nguồn hỗ trợ cho các trường đại học đã đóng góp vào chảy máu chất xám” – Petri Koikkalainen, Hội trưởng Hiệp hội Giảng viên và nghiên cứu viên đại học Phần Lan, bày tỏ quan điểm. Koikkalainen cũng nhấn mạnh rằng, danh tiếng quốc gia đi đầu về công nghệ cao và khoa học tiên tiến đang lâm nguy. “Về lâu dài, hình ảnh này có thể đổ vỡ, nhưng nếu chính phủ đầu tư cho nghiên cứu trở lại thì xu hướng chảy máu chất xám có thể được chặn lại” – Koikkalainen nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ