Đặc biệt, về đào tạo đi đôi với các chính sách đãi ngộ đang được xem là nguyên nhân quan trọng khiến việc phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu và yếu. Vấn đề đang cần đến những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Chưa được chú trọng
Ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá, việc sử dụng phát triển nhân lực KH&CN hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nguy cơ “chảy máu chất xám” ngày một gia tăng; cơ chế, chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phát triển, đặc biệt đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN công lập, doanh nghiệp Nhà nước hiện đã không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hoạt động KH&CN.
Quản trị nhân sự KH&CN nói chung và quản trị nhân sự trong các tổ chức KH&CN nói riêng còn yếu kém; việc thực hiện quy hoạch nhân lực ngành KH&CN chưa được các bộ, ngành chú trọng; môi trường dân chủ trong sáng tạo, sinh hoạt học thuật chưa phát huy hiệu quả; không gian sáng tạo, nhu cầu được phát triển và theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu còn hạn chế…
Theo ông Đỗ Việt Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2015 của người Việt Nam là 583 đơn, số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam cũng chỉ đạt 63 văn bằng, sự ít ỏi này cho thấy, đội ngũ nhân lực KH&CN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của KH&CN, tình trạng trên cần được nhìn từ góc độ đào tạo nhân lực KH&CN.
Hiện Việt Nam chưa có trường đại học nào nằm trong tốp 20 trường đại học của Đông Nam Á, tốp 300 trường đại học của châu Á và tốp 1.000 trường đại học của thế giới. Nhiều chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao ở nước ngoài được thực hiện song thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Kết nối và trọng dụng
Bên cạnh các đánh giá hạn chế, ông Đỗ Việt Trung cũng đồng thời kiến nghị đẩy mạnh triển khai các văn bản về chính sách đối với nhân lực KH&CN đã ban hành như: Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, Quyết định số 2395/QĐ-TTg.
Trong đó có việc đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để tháo gỡ; Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài” để tăng cường sự kết nối, tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho nhân lực KH&CN trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, qua đó thúc đẩy tính năng động, chủ động của các tổ chức này trong việc sử dụng nhân lực KH&CN trong nước.
Đổi mới nhận thức, tư duy về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực KH&CN các chuyên gia ngành cho rằng: Cần tăng cường kết hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ sở sử dụng lao động, các viện nghiên cứu trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Có thêm nhiều chính sách trọng dụng, tôn vinh tài năng, nhân tài trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc và phát triển nghề nghiệp, điều kiện sống, lương, thu nhập hợp lý cho đội ngũ tri thức trẻ.
Đa dạng hóa các nguồn kinh phí; thay đổi cơ cấu phân bổ tài chính cho các hoạt động KH&CN, đầu tư có tập trung, tránh dàn trải kinh phí; gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; hội nhập quốc tế với mô hình gắn nghiên cứu với đào tạo và hợp tác quốc tế;…