Phản hồi tích cực của thầy và trò về đổi mới thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) - chia sẻ quan điểm về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia; đồng thời cho biết việc đổi mới thi THPT quốc gia đã được thầy và trò nhà trường phản hồi tích cực.

Phản hồi tích cực của thầy và trò về đổi mới thi THPT quốc gia

Những điểm mới có lợi cho học sinh, tăng tính công bằng, khách quan

Ý kiến của ông sau khi nghiên cứu dự thảo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT?

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia lần 2 ngày 28/11/2016 của Bộ GD&ĐT gồm 10 chương 44 điều được bố cục chặt chẽ, logic, khoa học giúp các cấp quản lý giáo dục, các nhà giáo, cán bộ quản lý, phụ huynh và học sinh hiểu rõ mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin đánh giá chất lượng giáo dục, làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo nghiêm túc, khách quan và công bằng.

Theo dự thảo, năm nay, thí sinh được đăng ký thi cả 2 bài tự chọn (bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nếu muốn) và được lựa chọn bài có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp? Ông nhận định thế nào về điểm mới này?

Theo tôi, điểm mới này về đại cục có điểm tích cực là đáp ứng nguyện vọng và phát huy phẩm chất, năng lực toàn diện hoặc chuyên sâu của học sinh.

Cũng theo dự thảo, thí sinh tự do được thi riêng so với thí sinh giáo dục phổ thông; thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí thi riêng khi thi bài thi Khoa học xã hội. Ông có cho rằng thay đổi này là cần thiết và vì sao?

Theo tôi đây là điều cần thiết nhằm đảm bảo yêu cầu mục đích của kỳ thi là khách quan, công bằng đối với các thí sinh làm bài thi không cùng mục đích và thời gian làm bài.

Năm nay, kỳ thi sử dụng thống nhất phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT; việc chấm thi trắc nghiệm cũng sử dụng cùng một phần mềm do Bộ cung cấp. Điều này sẽ có tác động tích cực đến tổ chức thi, chấm thi ra sao?

Theo dự thảo trong điều 10, kỳ thi sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD&ĐT cung cấp có tác động tích cực, đảm bảo mục đích bí mật, nghiêm túc, khách quan của kỳ thi. Giúp việc tổ chức chuẩn bị cho kỳ thi, đăng ký dự thi, công tác đề thi, coi và chấm thi đến việc quản lý dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng được thuận lợi, khoa học và đặc biệt là tiết kiệm thời gian và công sức của các tổ chức cá nhân liên quan trước, trong và sau kỳ thi.

Dự thảo quy chế có tạo thuận lợi cho thí sinh và nhà trường hay không? Theo ông, nếu có thì những thuận lợi đó là gì?

Nội dung theo như dự thảo quy chế thi THPT quốc gia nếu được thực hiện ổn định đến năm 2019 thì sẽ thuận lợi cho các nhà trường, cơ sở giáo dục, các nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh.

Những thuận lợi do quy chế thi có tính ổn định là không làm dao động tâm lý của học sinh và phụ huynh, ổn định việc chỉ đạo hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục; làm tăng thiện cảm của xã hội đối với giáo dục về việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá thi cử trong nhà trường và cơ sở giáo dục phổ thông.

Thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên)
Thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) 

Thực hiện tổ hợp 3 môn trong bài thi là không quá sức

Cho đến thời điểm này, Trường THPT Dương Quảng Hàm đã có những chuẩn bị như thế nào trước kỳ thi THPT quốc gia?

Đến nay nhà trường đã thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục năm học 2016-2017 được hơn 3 tháng (15 tuần). Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhà trường đã thực hiện một số nội dung:

Tuyên truyền trong cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh về chủ trương đổi mới giáo dục trong đó có nội dung đổi mới về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thông qua hội đồng giáo dục nhà trường, giờ chào cờ đầu tuần và các hội nghị phụ huynh học sinh theo khối và từng lớp học do hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm chủ trì.

Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên, đặc biệt là các môn học được quy định trong bài thi THPT quốc gia thực hiện thật tốt, thật nền nếp từ khâu sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu bài học đến khâu thiết kế và thi công từng bài giảng trên lớp thật cẩn thận, chu đáo; thầy cô giảng dạy đảm bảo sát đối tượng, thân thiện giúp học sinh hiểu bài theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Chỉ đạo giáo viên, tổ nhóm chuyên môn xây dựng ngân hàng câu hỏi bám sát toàn bộ nội dung chương trình môn học theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, cách thức tổ hợp ngân hàng đề thi và chỉ đạo thực hiện tổ chức thi thử đối với học sinh khối 12 vào tháng 11/2016 và tháng 4/2017.

Việc thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó một số môn lần đầu tiên áp dụng theo hình thức này ở kỳ thi THPT quốc gia (Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý) - điều này có gây khó khăn cho học sinh, giáo viên hay không?

Chúng tôi nhận thấy việc tổ chức 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan được quy định trong quy chế thi THPT quốc gia và đặc biệt các môn mới áp dụng lần đầu như Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý không gây khó khăn đáng kể cho học sinh và giáo viên.

Đối với các môn Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý – nhà trường chỉ đạo giáo viên chuẩn bị chu đáo, khoa học từ khâu thiết kế đến thi công bài giảng thật cơ bản, cẩn thận, chi tiết phù hợp với đối tượng học sinh.

Nhà trường có thông điệp cho học sinh rằng: Hãy đi học chuyên cần, học và vận dụng kiến thức của từng bài trong năm học theo hướng dẫn của thầy cô sẽ đạt được kết quả theo nguyện vọng.

Nhiều người lo lắng việc học sinh thực hiện bài thi tổ hợp với 3 môn thi thành phần là quá sức với học sinh. Từ thực tế học sinh nhà trường, ông có thấy như vậy hay không?

Nhà trường đã tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 vào đầu tháng 11/2016, đề thi mô phỏng theo đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT. Bước đầu cho thấy việc thực hiện tổ hợp 3 môn trong bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội (150 phút) là không quá sức đối với học sinh.

Thông qua kỳ thi thử, nhà trường đã nhận được phản hồi tích cực của thầy và trò về việc đổi mới thi THPT quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.