Câu “gỡ”điểm
Câu 1 (2 điểm) thuộc dạng câu tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm, giai đoạn văn học; câu 3 thuộc dạng nghị luận văn học, nghĩa là yêu cầu học sinh phải làm thành một bài văn cụ thể.
Với câu 1, thầy Trần Văn Hinh lưu ý, chỉ trong kì thi tốt nghiệp, người ta mới hỏi những kiến thức liên quan đến văn học nước ngoài. Còn kì thi đại học chỉ là kiến thức văn học Việt Nam.
Theo thầy Hinh, đây là phần dễ ăn điểm nhất, vì người chấm thường không quá khắt khe, họ không quan tâm quá nhiều đến vấn đề cảm thụ văn học, mà đúng ra đây là câu hỏi kiểm tra kiến thức đọc hiểu, chỉ cần học sinh viết được những ý chính, thậm chí kể cả gạch đầu dòng vẫn có thể đạt điểm tuyệt đối (2 điểm).
“Tất nhiên, cái này còn tuỳ thuộc vào mỗi người chấm. Kình nghiệm chấm thi nhiều năm qua cho tôi biết, cũng có những thầy thường hay cho điểm tuyệt đối câu hỏi này, nếu học sinh có được những ý cơ bản. Vì họ nghĩ đây là câu gỡ điểm” – thầy Hinh cho hay.
Vì vậy, thầy Hinh cho rằng, thí sinh cần tận dụng tối đa lợi thế này. Chú ý đừng quá mất thời gian vào câu 1, những cũng đừng nên tắc trách quá.
“Mẹo” làm bài nghị luận
Với bài văn nghị luận xã hội, theo thầy Trần Văn Hinh để đạt được yêu cầu cơ bản lại không khó.
Khoảng 4 năm trở lại đây, câu hỏi nghị luận xã hội mới được thực thi trong các kì thi, dù chưa phải là thật giỏi, học sinh viết câu hỏi này tương đối khá. Họ ít khi bị điểm kém.
Vậy để viết một bài nghị luận xã hội chỉ với 600 từ (khoảng 2 đến 2 trang rưỡi tờ giấy thi), cần phải làm như thế nào thì tốt nhất.
Trước hết, nên chú ý, bài làm nghị luận xã hội vẫn nên được viết như một bài làm văn bình thường, có mở đầu, thân bài và kết luận.
Mở bài là phần nêu lại câu hỏi đề thi, giải thích từ khoá trong câu hỏi.
Chẳng hạn đề thi cách đây vài năm người ta hỏi: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, mê muội thần tượng là một thảm hoạ. hãy viết một đoạn văn ngắn (600 từ) về vấn đề trên.
Như vậy, những từ khoá của câu hỏi trên được xác định là ngưỡng mộ, mê muội, thảm hoạ, thần tượng. Trong phần mở bài, người viết phải nêu lại được yêu cầu của câu hỏi đề thi, sau đó đi vào giải thích các từ khoá. Ý này được 0,5 điểm.
Phần thân bài phải trình bày suy nghĩ cá nhân về nhận xét trên, người viết phải có trách nhiệm bàn luận vấn đề được đặt ra, trong đó, có cả phần bàn cụ thể vào câu hỏi, và có phần bàn luận mở rộng để câu trả lời được sâu hơn. Ý này được tính 2 điểm (ngưỡng mộ 1, và mê muội 1).
Phần 3 kết luận là những bài học được rút ra từ sự bàn luận trên. Có thể bài học đó được xác định rõ là bài học nhận thức và hành động. Toàn bộ ý này cũng chỉ được tính 0,5 điểm.
"Với bài nghị luận xã hội, năng lực dễ nhận thấy ở học sinh là họ thường viết không sai, chứng tỏ học sinh bây giờ đã hiểu biết hơn rất nhiều.
Các cháu đọc sách báo, xem ti vi, nghe thầy cô giáo dạy, và cả những kiến thức học được trong cuộc sống nữa. Nhưng tôi vẫn tiếc một điều, là tuy các cháu viết không sai, nhưng bài làm của họ thường quá lệ thuộc vào sách vở, hô khẩu hiệu, nói giống nhau, chứ ít có những đột phá.
Quan điểm của tôi, đột phá có nghĩa là học sinh phải thể hiện được những suy nghĩ sắc sảo của mình, phải có những suy nghĩ táo bạo, thậm chí “phản biện”.
Tất nhiên tôi hiểu, học sinh do được học trong sách vở, do phần giảng của các thầy cô phổ thông bao giờ cũng rất mực thước, họ cũng thích sự “an toàn”, nên vượt qua ranh giới này với họ là không hề dễ dàng.
Trong khi đó tôi biết đáp án chấm câu hỏi này, bao giờ cũng có ghi chú, học sinh có thể viết không giống đáp án, có thể viết theo suy nghĩ riêng của mình, không giống người khác, thậm chí có thể phản biện lại, nếu thuyết phục vẫn đạt điểm tối đa.
Tôi thích một bài viết đột phá hơn là một bài theo khuôn mẫu sẵn. Với câu hỏi nghị luận văn học cũng thế. Học sinh bây giờ họ cứ học theo khuôn mẫu quá.
Ít cháu dám vượt qua những “ranh giới”. Trong hướng dẫn chấm môn thi Ngữ văn của bài thi tuyển sinh đại học ở câu này của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có lưu ý rằng có thể chấm điểm với những bài làm có ý trả lời khác với đáp án nếu mà thuyết phục" - thầy Trần Văn Hinh.