(GD&TĐ)-Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời – Xây dựng xã hội học tập (HTSĐ - XHHT) đã chính thức khai mạc chiều nay (6/12) tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 300 nhà hoạch địch chính sách chủ chốt, các nhà giáo dục hàng đầu, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu của Việt Nam, UNESCO và Hiệp hội các trường ĐH Á – Âu chuyên đào tạo, nghiên cứu về học tập suốt đời. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự và phát biểu khai mạc.
>>>Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời-Xây dựng xã hội học tập
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: gdtd.vn |
HTSĐ ở Việt Nam hiện nay dựa trên 5 trụ cột: Giáo dục chính quy, Giáo dục vừa làm vừa học, Giáo dục từ xa, các trung tâm giáo dục thường xuyên và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng. Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, HTSĐ vẫn mới chỉ là cơ hội cho một tỷ lệ rất thấp dân cư; chất lượng, hiệu quả học tập còn hạn chế - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định trong phát biểu khai mạc diễn đàn.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn được phối hợp với ASEM và UNESCO Hà Nội đăng cai tổ chức Diễn đàn HTSĐ để cùng làm rõ khái niệm và vai trò của HTSĐ trong quá trình xây dựng xã hội học tập nhằm hỗ trợ việc hoạch định chính sách HTSĐ của quốc gia và khu vực; chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược HTSĐ giữa các quốc gia của ASEM; xây dựng một không gian mở cho việc chia sẻ các nghiên cứu, phát hiện các ý tưởng mới, phát triển các khung pháp lý, tổ chức và tài chính giữa các quốc gia ASEM và các nước trong 2 khu vực; thúc đẩy hợp tác học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu HTSĐ giữa các trường đại học ASEM; xác định các vấn đề hiện trạng cơ sở trong bối cảnh chính trị, văn hóa xã hội, những thuận lợi và rào cản đối với phát triển HTSĐ, nhằm mang lại cơ hội HTSĐ cho mọi người; tăng cường liên kết giữa các nhà nghiên cứu và các chính trị gia của 2 khu vực để phát triển các chính sách trong tương lai và mở rộng các hoạt động triển khai HTSĐ.
Phó Thủ tướng hy vọng rằng, từ Diễn đàn này, các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ tìm được cho mình những giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống HTSĐ, xây dựng xã hội học tập.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: gdtd.vn |
Báo cáo về thực trạng của HTSĐ – xây dựng XHHT ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục phát triển trên nền tảng xây dựng XHHT ở Việt Nam đã và đang vận động đúng quỹ đạo của xu thế chung và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng, đáng khích lệ. Các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư tốt hơn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Đến nay, đã có 52/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn GDTH đúng độ tuổi; 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDTHCS. Số năm học trung bình của người dân từ 15 tuổi trở lên là 9,6 năm. Sự khác biệt về trình độ học vấn giữa nam và nữ ngày càng được thu hẹp. Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng giữa nam nữ trong giáo dục.
Được biết, trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, có 2 đại học mở (Viện đại học mở Hà Nội và Trường đại học mở TP. Hồ Chí Minh) có chương trình đào tạo từ xa với tổng số học viên đại học hệ đào tạo từ xa là 85.431 (chiếm tỉ lệ 6,3% tổng số sinh viên).
Ngày nay, bên cạnh các cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân, đã có 9990 trung tâm học tập cộng đồng do cơ quan cấp xã quản lý, chiếm 89,96% số xã trong cả nước.
Ở Việt Nam có Hội Khuyến học được hình thành từ các chi hội ở xã, có Hội Khuyến học cấp tỉnh và Ban chấp hành Hội Khuyến học toàn quốc với tổng số hơn 7 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Chính phủ đã quyết định chọn ngày 02/10 hàng năm là Ngày khuyến học.
Những thành tựu của giáo dục Việt Nam đã khẳng định vai trò quyết định của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nhờ đó, chỉ số phát triển của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể...
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, yếu kém như nhận thức của một số bộ phận và nhân dân về ý nghĩa của học tập suốt đời còn hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung còn chưa thật đầy đủ; đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về năng lực; nội dung chương trình, tài liệu học tập của GDTX còn chưa phong phú, chưa thật phù hợp với nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của nguời dân...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Việt Nam tiếp tục xây dựng XHHT giai đoạn 2011-2020 với những tiêu chí cơ bản là đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập suốt đời góp phần nâng cao dân trí, năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó, học tập suốt đời được coi vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng XHHT. Với tiêu chí đó, quan niệm về XHHT phải được mở rộng và tiếp cận sâu với 5 trụ cột của học tập “học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để cùng chung sống, học để quan tâm đến hành tinh”...
Cũng tại khai mạc diễn đàn, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ GD&ĐT Vương quốc Đan Mạch ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác hơn nữa về các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực GD&ĐT của hai nước.
Hiếu Nguyễn