Phân công giáo viên bộ môn củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường phân công giáo viên kèm cặp, bồi dưỡng kiến thức cho những em có "nguy cơ".

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông phấn đấu 100% học sinh đậu tốt nghiệp.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông phấn đấu 100% học sinh đậu tốt nghiệp.

Cố gắng học để thực hiện mơ ước

Đinh Hồng Khánh (học sinh lớp 12A, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sinh ra trong gia đình có 4 chị em. Hoàn cảnh khó khăn, nên các anh chị của Khánh chẳng ai được ăn học đến nơi, đến chốn. Không muốn vất vả, làm nông nên Khánh luôn quyết tâm học tập để sau này có công việc ổn định.

“Bố mẹ và anh chị quanh năm làm nương rẫy rất vất vả nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Do đó, em muốn học để sau này trở thành giáo viên. Bởi em biết, học là con đường duy nhất giúp cuộc sống của gia đình em bớt cơ cực”, Hồng Khánh nói.

Hồng Khánh dự định hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng hoặc Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Thế nhưng nam sinh lo lắng nếu đậu Đại học, gia đình sẽ không đủ điều kiện lo cho em học tập. Bởi cha mẹ làm thuê, cuốc mướn quanh năm cũng chỉ đủ lo ăn, mặc cho cả nhà, chẳng dư giả.

“Nếu đậu Đại học em sẽ tranh thủ đi làm thêm, tự kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nếu không sẽ chẳng bao giờ em thực hiện được ước mơ của mình. Sau này em muốn có công việc ổn định về lo cho cha mẹ”, Khánh bộc bạch.

Đinh Hồng Khánh ước mong trở thành giáo viên giảng dạy cho học sinh khó khăn.

Đinh Hồng Khánh ước mong trở thành giáo viên giảng dạy cho học sinh khó khăn.

Tương tự, em Phạm Y Lệ Khanh (dân tộc H’rê) cũng ước mơ được đứng trên bục giảng, dạy chữ cho học sinh khó khăn. Toán là môn Lệ Khanh thích và học tốt nhất trên lớp. Những năm qua, nữ sinh luôn đạt thành tích khá, giỏi trong học tập và xuất sắc vừa đạt giải trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh với dự án “Thiết bị chẻ mỏng măng bán tự động”.

Lệ Khanh bảo rằng, em có một người em đang học lớp 7. Do đó, trong năm học cuối cấp và thời điểm nước rút này em luôn cố gắng học tập để có thể thực hiện mơ ước và lo cho em út học tập.

“Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em sẽ cố gắng tập trung, ôn luyện kĩ lưỡng để làm bài thật tốt. Sau này có công việc ổn định em sẽ phụ cha mẹ lo cho em út học tập đến nơi đến chốn”, Lệ Khanh chia sẻ.

Đôi bạn cùng tiến

Phạm Y Lệ Khanh ôn tập, cố gắng hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Phạm Y Lệ Khanh ôn tập, cố gắng hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Năm học 2022-2023, trường PTDTNT huyện Kon Plông có 397 học sinh, trong đó có 84 em học lớp 12. Đa số các em là người dân tộc thiểu số, như: Xơ Đăng, H'rê...

Thầy Bùi Văn Quế, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, để các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhà trường vừa dạy để hoàn thành chương trình, vừa ôn tập thêm cho học sinh. Theo đó, mỗi buổi tối nhà trường phân công giáo viên bộ môn kèm cặp cho những bạn học yếu, và hướng dẫn thêm cho các em tự học.

“Sau khi hoàn thành chương trình và có kết quả kiểm tra cuối học kì II đơn vị tiếp tục rà soát, phân luồng học sinh. Những em còn hạn chế về kiến thức nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng thêm theo từng môn học. Đồng thời, tổ chức hoạt động ‘đôi bạn cùng tiến’ để học sinh hỗ trợ nhau vào buổi tối. Qua đó, đảm bảo kiến thức để các em hoàn thành tốt kỳ thi. Năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh 12 của trường đậu tốt nghiệp là hơn 97%, năm nay đơn vị phấn đấu đạt 100%”, thầy Quế nói.

Cũng theo vị Phó hiệu trưởng, bên cạnh việc ôn tập, nhà trường cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức buổi nói chuyện, hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời cho các em trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp truyền thống, hoặc gắn với địa phương nơi mình sinh sống. Từ đó học sinh lựa chọn được hướng đi phù hợp với học lực, điều kiện kinh tế của gia đình.

Huyện Kon Plông là địa phương còn nhiều khó khăn khi bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó nhiều học sinh còn e dè về việc học Đại học vì điều kiện không cho phép hay năng lực học tập hạn chế. Chính vì vậy nhà trường khuyến khích những em học tốt cố gắng học tập, còn lại chọn học nghề phù hợp với địa phương để giúp phát triển kinh tế gia đình”, - Thầy Bùi Văn Quế - Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Kon Plông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ