Phân biệt sốt xuất huyết với các bệnh khác

GD&TĐ - Các biểu hiện của sốt xuất huyết dễ bị nhầm với những bệnh khác. Ở giai đoạn sốt, các biểu hiện sớm như sung huyết miệng họng có thể lẫn với viêm họng liên cầu.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BVCC.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BVCC.

Trường hợp sung huyết mặt, có thể bị nhầm với các bệnh do virus, như nhiễm parvovirus B19.

100% ca tử vong ghi nhận ở phía Nam

Tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, ThS.BS Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, 80% ca mắc và 100% ca tử vong (36 ca) vì sốt xuất huyết ghi nhận tại khu vực phía Nam.

Chuyên gia Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.

Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn. Trong khi đó, những năm trước, số người lớn tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn.

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, dịch sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, số ca mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 5, số ca nhập viện cao bằng tổng số tích lũy từ đầu năm.

TS Ánh Dương cho biết, qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, đến khi chuyển nặng mới nhập viện.

Lưu ý chỉ điểm lâm sàng

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái - Phó Trưởng phòng Cấp cứu, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với sốt xuất huyết Dengue, có 3 giai đoạn là sốt, nguy hiểm và hồi phục.

Ở giai đoạn đầu tiên, người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, đặc biệt là nhức hai hốc mắt. Một số trường hợp làm nghiệm pháp dây thắt có kết quả dương tính. Ngoài ra, người bệnh cũng thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Ngày thứ 3 - 7, người bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm. Đặc trưng ở giai đoạn này là thoát huyết tương (1 - 2 ngày). Người bệnh có thể sốt hoặc không. Da nề, phù mi, gan to, đau, tràn dịch màng phổi, nguy cơ sốc. Biểu hiện xuất huyết rõ hơn như: Dưới da, niêm mạc, nội tạng. Hoặc, suy tạng, viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Thông thường, từ ngày 7 - 10, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục. Các biểu hiện gồm: Đi tiểu nhiều, hết sốt, thèm ăn, huyết động ổn định, có thể có nhịp tim chậm. Tuy nhiên, ThS Thái lưu ý, việc truyền dịch quá mức ở giai đoạn này có thể gây phù phổi, suy tim do tái hấp thụ dịch từ ngoài khoảng kẽ vào lòng mạch. Quá trình hồi phục kéo dài khoảng 2 - 3 ngày.

“Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo bao gồm: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm, nôn nhiều trên 3 lần/giờ hoặc 4 lần/6 giờ, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Sốt xuất huyết nặng gồm thoát huyết tương nặng, xuất huyết nặng, suy tạng”, ThS Thái cho biết.

Chuyên gia này lưu ý, các biểu hiện của sốt xuất huyết dễ bị nhầm với những bệnh khác. Do đó, cần phân biệt các biểu hiện lâm sàng. Ở giai đoạn sốt, các biểu hiện sớm như sung huyết miệng họng có thể lẫn với viêm họng liên cầu. Trường hợp sung huyết mặt, có thể bị nhầm với các bệnh do virus, như nhiễm parvovirus B19.

Các biểu hiện muộn như nôn, đau bụng có thể nhầm với tiểu chảy, nhiễm khuẩn cấp tính. Hoặc, tiểu máu kèm đau bụng có thể nhầm là liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu, viêm thận bể thận.

Trong khi đó, ở giai đoạn nguy hiểm, nôn máu có thể bị nhầm với bệnh do Leptospira có chảy máu phổi. Suy hô hấp khi hết sốt có thể nhầm với những cơn hen. Ngoài ra, đau bụng cũng dễ bị nhầm với viêm túi mật, đau bụng tăng men gan có thể nhầm là viêm gan.

“Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue khá đa dạng và cần lưu ý chẩn đoán phân biệt với các căn nguyên nhiễm trùng, bệnh không lây nhiễm.

Các chỉ điểm lâm sàng trước hết là phải có tiền sử dịch tễ sống ở vùng dịch lưu hành (vùng dịch tễ, muỗi đốt); biểu hiện sốt cấp tính (da niêm mạc sung huyết, đau đầu, đau mỏi người). Các dấu hiệu cảnh báo khác có thể giúp chúng ta phát hiện sớm là nôn nhiều, đau bụng vùng gan”, ThS Thái lưu ý.

Theo chuyên gia này, để chẩn đoán chính xác sốt xuất huyết Dengue, cần thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào công thức máu, kết quả có thể không chính xác.

Trong khi đó, kháng nguyên NS1 giúp chẩn đoán khá dễ dàng. Kháng nguyên xuất hiện trong máu của người bệnh 5 ngày đầu. Từ ngày thứ 5 trở đi, có thể kết hợp thêm xét nghiệm kháng thể IgM. Xét nghiệm combo NS1 và IgM có độ nhạy trên 92%, độ đặc hiệu lên đến 98%.

“Biểu hiện bệnh lý cần quan tâm là thoát huyết tương. Hậu quả của thoát huyết tương là sốc giảm thể tích. Người bệnh cần được tập trung bù dịch (trường hợp nhẹ là uống, nặng hơn cần tiêm truyền...). Nhờ đó, có thể dễ dàng khống chế sốt xuất huyết Dengue.

Hiện, phần lớn trường hợp sốt xuất huyết Dengue cần điều trị ngoại trú, chủ yếu điều trị triệu chứng. Vai trò của nhân viên y tế là theo dõi chặt chẽ, để phát hiện sớm trường hợp sốc, xử trí kịp thời”, ThS.BS Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ