Sốt xuất huyết Dengue có trở thành đại dịch trong năm 2022?

GD&TĐ - Số ca sốt xuất huyết Dengue nhập viện tăng, số ca diễn tiến nặng cũng gia tăng đáng kể so với các năm trước đòi hỏi ngành y tế phải kịp thời cung ứng đủ các phương tiện máy móc, dịch truyền, nhân lực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải bài chia sẻ của Ths.BS Nguyễn Đình Qui (Phó trưởng khoa Nhiễm) cho biết, các chuyên gia dịch tễ thường bảo rằng, cứ 4 – 5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn.

Năm 2019, trận đại dịch SXHD với số mắc hơn 300.000 ca (riêng Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn cho ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, nếu theo đúng chu kỳ thì có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết Dengue mới, khi dịch bệnh Covid-19 tạm thời trong tầm kiểm soát, khi thông thương các nơi đã được kết nối, khi mùa mưa tới, khi người dân dần quên đi các khẩu hiệu phòng ngừa thì tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue bùng phát đúng thời điểm này.

Tính đến ngày 24 tháng 04 năm 2022, theo thống kê của WHO, Việt Nam có tổng cộng 18.599 ca sốt xuất huyết Dengue với 11 trường hợp tử vong. Thống kê mới nhất tuần lễ thứ 17 của năm 2022 ghi nhận 1.819 ca SXHD, tăng 10% so với tuần trước đó.

Với biểu đồ trên, khi nhìn đường biểu diễn của năm 2021 (màu xanh lá), dự đoán bệnh SXHD sẽ tiếp tục tăng lên và có thể đạt đỉnh vào tuần thứ 25- 26 của năm 2022 (khoảng tháng 6 – 7). Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng 2.

Với biểu đồ trên, khi nhìn đường biểu diễn của năm 2021 (màu xanh lá), dự đoán bệnh SXHD sẽ tiếp tục tăng lên và có thể đạt đỉnh vào tuần thứ 25- 26 của năm 2022 (khoảng tháng 6 – 7). Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại BV Nhi Đồng 2, trong 4 tháng đầu năm 2022, số ca SXHD đến khám là 2.006 ca (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021), số ca phải nhập viện là 901 ca (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 154 ca nặng cần cấp cứu (chiếm tỉ lệ 17% số ca nhập viện) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Số ca nhập viện tăng, số ca diễn tiến nặng cũng gia tăng đáng kể so với các năm trước đòi hỏi ngành y tế phải kịp thời cung ứng đủ các phương tiện máy móc, dịch truyền, thuốc men và cả nhân lực cho công tác phòng chống dịch.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc các chuyên gia đang cập nhật lại phác đồ điều trị thì vai trò tuyên truyền phòng ngừa từ phía các đơn vị y tế dự phòng ngay lúc này là cực kỳ quan trọng. Làm thế nào để không có muỗi, làm thế nào để muỗi không thể truyền bệnh? Muốn đạt được điều đó, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi:

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Khi chẳng may trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.

Bệnh SXHD vẫn có thể chăm sóc theo dõi tại nhà, tuy nhiên, phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo sau:

Li bì hoặc vật vã kích thích.

Chân tay lạnh và ẩm ướt.

Đau bụng nhiều.

Nôn ói liên tục.

Xuất huyết niêm mạc nhiều.

Nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.

Nước tiểu có máu.

*Bài viết có sử dụng dữ liệu từ website của WHO và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...