Một dạng hậu Covid-19 khác thường xảy ra sau 2 tháng và kéo dài khoảng 3 tháng với triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, dạng này nặng hơn kèm rụng tóc, mất trí nhớ.
Khoảng 1/20 F0 bị hậu Covid
Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả người trẻ, mắc Covid-19 thể nhẹ vẫn có thể gặp di chứng hậu Covid-19.
TS Nguyễn Đức Thái - nhà sáng lập chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam cho biết, với người vừa hồi phục Covid-19, dinh dưỡng, trái cây và vitamin đầy đủ là quan trọng.
Ngoài ra, sau khi khỏi Covid-19, mọi người vẫn nên theo dõi SpO2. Bởi, trong pha phản ứng của hệ miễn dịch, có thể tạo những cytokine ảnh hưởng chức năng hô hấp.
“Tuy còn nhiều tranh luận, có 2 dạng hậu Covid. “Long-Covid” xảy ra trong 2 tuần từ khi âm tính, gồm phần lớn là mệt, ho, có thể nặng hơn là nhức đầu, đau mình, dị ứng”, TS Thái cho biết.
Ngoài ra, một dạng hậu Covid-19 khác thường xảy ra sau 2 tháng và kéo dài khoảng 3 tháng với triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, dạng này nặng hơn kèm rụng tóc, mất trí nhớ. Chuyên gia khuyến cáo, khi đó, người bệnh cần đi bệnh viện xét nghiệm và trị liệu.
“Cũng như Covid, hậu Covid xảy ra tần suất cao với người lớn tuổi và người có triệu chứng nặng khi bị bệnh. Trong cộng đồng, chỉ khoảng 1/20 F0 có di chứng hậu Covid, từ nhẹ đến nặng. Hậu Covid nhẹ hơn trong các trường hợp đã tiêm chủng. Hậu Covid là có thật và cần chúng ta lưu tâm, xử lý phù hợp để an toàn, hoạt động hiệu quả trong công việc, cùng với nỗ lực chung tái hoà nhập của cộng đồng hiện nay”, TS Thái chia sẻ.
Hiểu bản chất bệnh
GS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết: “Hội chứng hậu Covid là một nhóm nhiều triệu chứng về thể chất cũng như tinh thần của một số bệnh nhân hồi phục từ Covid-19. Hội chứng xảy ra sau hay hơn 4 tuần lễ kể từ khi nhiễm virus, ngay với người không có triệu chứng hay bệnh nhẹ”.
Theo GS Hiền, sự hiểu biết của y học hiện nay chưa đầy đủ. Do đó, cách xử lý sẽ thay đổi theo thời gian tuỳ thuộc vào các phát hiện mới. Ông dẫn chứng, theo thông tin hiện nay, nhiều tình huống “hậu Covid” có thể được điều trị với y tế cơ sở, lấy bệnh nhân làm trung tâm để tối ưu hoá chất lượng cuộc sống và các chức năng của bệnh nhân.
“Các xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh chẩn đoán như (X-Quang, CT...) không được xem là phương tiện duy nhất để chẩn đoán hay đánh giá tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Các xét nghiệm cận lâm sàng này nếu không có cũng không loại bỏ được chẩn đoán, độ nặng, hay sự quan trọng của các triệu chứng của bệnh nhân.
Nhân viên y tế được khuyến cáo đặt những mục tiêu có thể đạt được bằng cách bàn bạc và cùng quyết định với bệnh nhân. Dựa trên các dấu hiệu hay triệu chứng đặc thù cho từng người, cùng với một liệu pháp toàn diện từ thể chất, tinh thần, xã hội”, chuyên gia cho biết.
Theo GS Hiền, hội chứng hậu Covid được phát hiện không phải là chưa có tiền lệ. Bởi, những tình trạng bệnh lý đó cũng từng xảy ra, nhưng chưa được tìm hiểu tập trung và thấu đáo (như hội chứng mệt mỏi mãn tính). Ông lưu ý, điều trị muốn có kết quả tốt thì cần hiểu rõ bản chất của hiện tượng bệnh lý đó. Do đó, không thể đạt hiệu quả nhanh chóng.