Phản biện có hiệu quả các chủ trương lớn của Ngành GD

Phản biện có hiệu quả các chủ trương lớn của Ngành GD
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện phối hợp hoạt động giai đoạn 2007-2009 với Bộ GD-ĐT, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã “4 cùng” với Bộ: Cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình; Cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành; Cùng tham gia triển khai một số công việc có chọn lọc và Cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo ông Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, để cụ thể hoá 4 nội dung trên, Hội Cựu giáo chức đã tham gia với Bộ xây dựng các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực hoạt động của Hội và ngành GD-ĐT. Điển hình là việc tham gia đóng góp ý kiến cho Chiến lược phát triển GD Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Hội cũng cổ vũ và đẩy mạmh các phong trào thi đua, các cuộc vận động “Hai không”, “Xây dựng trường học thân thiện- Học sinh tích cực”.

Các cấp hội tham gia vận động chống HS bỏ học, vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, vận động ủng hộ HS và GV vùng khó khăn. Với đời sống nhà giáo, Hội đang cùng Bộ đề nghị nhà nước có chế độ  đối với GV mầm non nghỉ hưu nhưng không nhận được sổ lương do chưa đủ năm đóng bảo hiểm.

Hội đã tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội các di sản, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu. Hội tích cực thực hiện đề tài Lịch sử di sản giáo dục Việt Nam, phối hợp với Bộ đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, xây dựng Bảo tàng GD Việt Nam. Công tác khuyến học, tôn vinh các nhà giáo có nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT, gặp mặt các nhà giáo đi B… được Hội quan tâm.

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), Bộ luôn xác định Hội Cựu giáo chức Việt Nam là đầu mối thông tin quan trọng và đã thường xuyên cung cấp các văn bản chỉ đạo của ngành cho Hội. Bộ đã mời đại diện Hội tham gia đóng góp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến GD như Luật Giáo dục, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục; Chiến lược phát triển GD Việt Nam giai đoạn 2011-2010. Hội đã có những ý kiến đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chương trình và SGK phổ thông, tích cực ủng hộ trong việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành.

Trong giai đoạn tới (2010-2012), Bộ GD-ĐT và Hội Cựu giáo chức Việt Nam cùng đề xuất nội dung phối hợp hoạt động: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nội dung “4 cùng”; Bộ và Hội cùng phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách phụ cấp thâm niên cho cán bộ GV đã nghỉ hưu; Hội tiếp tục phối hợp với Bộ triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua, cũng như tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách của ngành.

Theo GS. VS Phạm  Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, ngoài những nội dung trên, Bộ và Hội cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, thu thập các di sản vật thể và phi vật thể lịch sử GDVN, thành lập Ban điều hành xây dựng Bảo tàng GDVN. Hội cũng đề nghị Bộ giao cho Hội thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực GD như Xây dựng môi trường GD lành mạnh; Truyền thống hiếu học Việt Nam…

Trước những đề xuất của Hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị Hội thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, giám sát, phản biện các chủ trương lớn của ngành. Thường xuyên định hướng dư luận, tránh những bức xúc nổi cộm trong đội ngũ hội viên cũng như cán bộ GV. Về đề nghị xét công nhận Hội có tính chất đặc thù, Theo Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận, mặc dù  NĐ 45 của Chính phủ ra đời nhưng vẫn chờ có văn bản hướng dẫn.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ