Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương xã Nghĩa Hành kịp thời phát hiện và ngăn chặn một điểm thu mua lợn bị bệnh tại địa phương này. Chủ cơ sở thu mua lợn là bà Trần Thị Thùy D. đang thu gom 72 con lợn bị bệnh đưa lên ô tô để đi tiêu thụ, trong đó có 5 con lợn chết.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm số lợn này thì đều dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khai với cơ quan chức năng, bà D. cho biết, số lợn bị bệnh nói trên sẽ được đưa vào Gia Lai và Đồng Nai bán cho các cơ sở giết mổ để họ chế biến lạp xưởng!
Theo thống kê của Bộ NN&MT, đến nay, cả nước đã có 514 ổ dịch tại 28/34 tỉnh, thành, làm hơn 30.000 con lợn bị mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy. Hiện tại vẫn còn 248 ổ dịch chưa qua 21 ngày, điều này cho thấy dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công điện khẩn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.
Phần lớn các ổ dịch xảy ra ở hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ nên cơ quan chuyên môn rất khó kiểm soát. Khi thấy đàn lợn trong chuồng “bỏ cám”, không ít hộ chăn nuôi tự mua thuốc về chích cho lợn mà không báo với cơ quan thú y. Nếu chích thuốc không khỏi, số lợn bệnh này sẽ được giết thịt và bán ra thị trường hoặc bán cho các đại lý thu mua. Đây là một trong những lý do khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh trong thời gian qua.
Vào năm 2021, cả nước cũng đã bùng phát một đợt dịch tả lợn châu Phi khiến hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lâm cảnh trắng tay. Những tưởng nạn dịch này được đẩy lùi hoàn toàn thì nay dịch đã quay trở lại. Theo các nhà chuyên môn, dù dịch đã được dập tắt nhưng mầm bệnh vẫn còn. Một khi môi trường thay đổi, như năm nay thì mưa nắng đan xen thường xuyên, là dịch quay trở lại ngay.
Vì đa số là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu được nguy cơ của dịch tả lợn châu Phi quay trở lại gặp rất nhiều trở ngại. Dịch quay trở lại đúng vào thời điểm các tỉnh lo tập trung ổn định sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nên đội ngũ thú y ở các xã cũ cũng không kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc tại các hộ gia đình.
Mất của thì ai cũng đau xót cả, nhất là người nông dân nghèo, luôn coi con lợn như một tài sản có giá trị. Chính vì vậy nên họ “tranh thủ” bán tống bán tháo đàn lợn khi thấy hiện tượng dịch xuất hiện. Các đại lý chuyên thu mua lợn bệnh cũng “tranh thủ” để thu mua số lợn bị bệnh. Mua thì rẻ mạt nhưng bán thì giá cả như lợn khỏe mạnh.
Người nuôi lợn thì xót của, các đại lý tiêu thụ thì tham lam nên cả hai vô tình làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng chăn nuôi lợn. Cần chấn chỉnh hành vi mua bán lợn bị dịch này, nhất là các đại lý thu mua lợn dịch bệnh cần phải xử lý nghiêm.