Phải ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho GD-ĐT theo quy định

GD&TĐ - Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh cần ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho GD-ĐT theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển

Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương mà chưa cân đối được ngân sách.

Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Kết luận phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và cho rằng, cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội". Cần phải ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát văn bản hết hiệu lực cùng với Luật Giáo dục năm 2005; khẩn trương ban hành đủ văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Giáo dục 2019.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Rà soát, đánh giá tác động về việc tích hợp nội dung các môn học ở bậc THCS. Tiếp tục chú trọng việc hướng dẫn việc đổi mới nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, theo quy định của Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục và việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có 1 bộ sách giáo khoa của nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội; xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị một bộ SGK của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88; có cơ chế miễn tiền bản quyền với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới chính sách đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Biểu quyết của Ủy ban Thường vụ về dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề.
Biểu quyết của Ủy ban Thường vụ về dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề.

Đạt kết quả quan trọng trong bối cảnh nhiều thách thức

Trong phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát. Đó là việc Chính phủ tổ chức quán triệt, tổ chức triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 nhất quán và trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải làm nổi bật tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và rất đáng ghi nhận.

Điểm lại những kết quả nổi bật đạt được, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các mạch, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới và đúng với tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển, bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới.

Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản là theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới. Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và triển khai chương trình mới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: kết quả của giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chi tiết từ văn bản hướng dẫn đến kiểm tra tại các đại phương; có những đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: kết quả của giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chi tiết từ văn bản hướng dẫn đến kiểm tra tại các đại phương; có những đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội.

Về hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến của Đoàn giám sát là có cơ sở. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao...

Trong phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá: trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội đã được cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và quyết tâm cao, tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nhìn nhận, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; khẩn trương triển khai các kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, bảo đảm triển khai thành công Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ