Đoàn giám sát ghi nhận nhiều kết quả triển khai chương trình mới
Chiều 14/8, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội XV, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Theo đó, về kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo kết quả giám sát nhận định: Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, nhất là ngành giáo dục, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Cụ thể, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện. Các văn bản được ban hành đã bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới với 2 luật, 7 nghị quyết; 2 kết luận; 19 nghị định, 5 quyết định, 1 chỉ thị, 62 thông tư và thông tư liên tịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. |
Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 88. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học 2020-2021, đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; được thiết kế thành 2 giai đoạn. Hệ thống môn học bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Nội dung được giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được định hướng trong Chương trình tổng thể, cụ thể hóa trong các chương trình môn học và được thể hiện ở từng nội dung giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo. Giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.
Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên. Đến cuối năm học 2021 - 2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993 người (tăng 6.199 người so với đầu năm học 2018-2019). Trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên.
Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản.
Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Năm học 2021-2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường trung học cơ sở, 2.441 trường trung học phổ thông, trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh. Tổng số phòng học cả nước là 465.530 phòng; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,2%.
Đại biểu chủ trì phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội XV. |
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; bố trí, cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chính sách xã hội hóa giáo dục tiếp tục được thực hiện, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, biên soạn sách giáo khoa. Trong giai đoạn 2015-2022, đã thu hút được 6.420 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình).
Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông
Bên cạnh các kết quả, đoàn giám sát cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại hạn chế, liên quan đến: việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; đổi mới phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; bảo đảm đội ngũ giáo viên; biên soạn sách giáo khoa mới; bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; về bảo đảm kinh phí; về công tác xã hội hóa.
Trong đó có việc chủ trương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. |
Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.
Việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối. Chất lượng giáo viên không đồng đều.
Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn (52.934 phòng học), tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cả nước thiếu 63.920 phòng học bộ môn, thiếu 2.086 thư viện. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học là 54,3%, số lượng cần bổ sung lớn, nhưng việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc quy hoạch quỹ đất, chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…
Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư. Trong cả giai đoạn 2014-2022, tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, UBND cấp tỉnh và các bài học kinh nghiệm cũng được nêu rõ trong báo cáo giám sát.
Toàn cảnh phiên họp. |
Đề xuất 3 nhóm giải pháp
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện, gồm: Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong đó có việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản trong Danh mục kèm theo Nghị quyết giám sát. Hoàn thành việc hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 trong năm 2024; chuẩn bị dự án Luật điều chỉnh về Nhà giáo. Ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm 2023; hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa. Đề xuất tiêu chuẩn đặc thù đối với giáo viên các môn nghệ thuật.
Bổ sung, sửa đổi các quy định về thực nghiệm, thẩm định, phê duyệt sách giáo sách giáo khoa; lựa chọn sách giáo khoa; cung ứng, phát hành sách giáo khoa; khung vị trí việc làm, định mức số người làm việc tối thiểu phù hợp với thực tiễn và đặc thù ở từng vùng, miền, địa phương; chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để tạo sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ trong toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án có liên quan.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ việc biên soạn, in ấn, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng của nhân dân.
Ngoài ra, thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tập trung tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn. Có chính sách hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ngoài công lập.
Xây dựng và phê duyệt Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đến năm 2025. Tập trung đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm; phát triển trường học, phòng học ở các khu vực có dân số tăng nhanh; trang bị đầy đủ thiết bị học tập cho học sinh.
Tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đề xuất hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong các năm tiếp theo.
Tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục phổ thông. Nghiên cứu, thí điểm mô hình liên kết đào tạo các môn học chuyên biệt (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật).