Phải biết vượt qua nỗi sợ

GD&TĐ - Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ.

Cầu Thăng Long sau 1 năm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động.
Cầu Thăng Long sau 1 năm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động.

Năm 2009, mặt cầu xuống cấp, được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 và tiếp tục được thảm lại vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn hư hỏng. Nhiệm vụ sửa chữa lần này được giao cho các nhà khoa học của Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Vượt qua nỗi sợ

PGS.TS Ngô Văn Minh, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và nghiên cứu phát triển (Trường Đại học Giao thông Vận tải), chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công nhớ lại cảm giác đầu tiên nhận thi công công trình: “Khi thầy Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Long gọi tôi lên hỏi. Có Dự án sửa chữa cầu Thăng Long đấy, bạn nghiên cứu xem có làm được không. Mặt cầu này đã sửa chữa mấy lần đều thất bại, cậu nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ nhé.

Trách nhiệm nặng nề đấy vì cả xã hội đang nhìn vào, làm không đâu vào đâu lại hỏng là đi tù chứ không đùa được đâu. Nói xong thầy hiệu trưởng lại vỗ vai tôi động viên: Nhưng tôi tin tưởng cậu, cố gắng làm nếu thấy khả năng có thể đáp ứng được. Yên tâm đi, trách nhiệm người đứng đầu là tôi chứ không phải là cậu!”.

PGS.TS Ngô Văn Minh biết thầy nghiên cứu rất kỹ nên khi đã gọi mình đến đã có sự chuẩn bị tâm lý. Do vậy, ông vui vẻ nhận lời và cùng nhóm nghiên cứu thực hiện các công việc liên quan. Chưa có tiền dự án, trường ứng tiền để nhóm nghiên cứu sang châu Âu tìm hiểu công nghệ sửa chữa cầu có tuổi thọ tương đương với cầu Thăng Long và đã gặp những hư hỏng tương tự, để thấy được họ giải quyết thế nào. “Chuyến đi giúp chúng tôi đưa ra được lựa chọn công nghệ sửa chữa cầu và Dự án sửa chữa cầu Thăng Long”, PGS Minh kể.

Bắt tay vào nghiên cứu, GS.TS Trần Đức Nhiệm, trực tiếp tổ chức thiết kế, chỉ rõ: Hư hỏng chủ yếu là mặt đường bị rạn nứt, hằn lún, bản thép trực hướng bị biến dạng. Trong khi đó, lưu lượng xe trung bình là 47.000 lượt/ngày đêm, tổng tải trọng xe lớn qua cầu chủ yếu trên 45 tấn (tải trọng cầu cho phép chỉ là 30 tấn).

Do thời gian dài khai thác, bản mặt cầu không đáp ứng về độ cứng, chịu kéo theo cả phương dọc và ngang lớn, bị võng cục bộ, chất lượng bê tông lớp phủ không đạt yêu cầu, nhiều vị trí không dính bám, lớp phủ rỗng đọng nước với mặt thép cầu. Cần cải tạo mặt cầu bản thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hiệp nhẹ.

Việc kết dính giữa bản mặt thép với bê tông siêu tính năng UHPC được liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bê tông siêu tính năng bằng đinh neo tiêu chuẩn. Thảm lớp bê tông nhựa polymer trên lớp tạo nhám và dính bám, tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu có tính chịu mỏi cao, giải quyết được vấn đề dính bám giữa mặt cầu và lớp phủ trong trường hợp tải trọng xe nặng, chống thấm đọng nước xuống bề mặt cầu.

Phương án thiết kế được phê duyệt với sự trợ giúp của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ. Giờ là việc của các thầy giáo của Trường Đại học Giao thông Vận tải. PGS.TS Ngô Văn Minh nhớ lại những ngày ăn ngủ với cầu Thăng Long: Tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhà trường phải tuân thủ quy tắc 5K. Có những thời điểm thực hiện thí nghiệm trong phòng 2 người mà vẫn đứng cách nhau 2m.

Các vật liệu thí nghiệm rất nặng nhưng chỉ một người bê vác vô cùng vất vả. GS Nhiệm đã tám mươi tuổi nhưng đêm hôm vẫn phải vào phòng thí nghiệm chỉ đạo anh em thực hiện các công đoạn. “Ngày 24/4, sinh nhật tôi cũng là ngày dự án chính thức được phê duyệt thiết kế, mừng nhiều nhưng lo cũng không ít vì là người thiết kế chính chịu trách nhiệm pháp lý”, PGS Minh bộc bạch.

“Cầu đã đưa vào hoạt động, nhưng nỗi lo vẫn còn, vấn nạn xe quá tải lưu thông trên cầu khó tránh khỏi. Nhiều đêm đứng để xem những dòng xe chạy qua cầu thấy những chiếc xe tải rất nặng là những tác nhân ảnh hưởng lớn đến mặt cầu. Trong những ngày có nhiệt độ cao, tôi phải thường xuyên lên đo, quan sát mặt bê tông có bị thoái hóa không, rất may đến thời điểm này chưa có biến dạng nào.

Lo lắng nhiều nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng rất lớn về tuổi thọ của công trình. Với thiết kế và tính toán đặt ra, mặt cầu bản thép được cải tạo kỳ vọng tồn tại tối thiểu từ 20 – 30 năm, nhựa trải thảm mặt cầu tuổi thọ 5 đến 10 năm”, PGS Ngô Văn Minh chia sẻ.

Quá trình thi công bóc lớp bê tông mặt cầu cũ.
Quá trình thi công bóc lớp bê tông mặt cầu cũ.

Truyền lửa

Là người thầy, nhà khoa học ở một trường đại học có uy tín hàng đầu về chuyên ngành, giai đoạn vừa qua khi một vài dự án giao thông xuất hiện vấn đề về kinh tế - kỹ thuật, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của ngành trước xã hội và ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của những người công tác trong ngành.

Chia sẻ điều này, PGS.TS Ngô Văn Minh tâm sự: Thành công của Dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã cho thấy công việc dù khó, nhưng nếu chúng ta có trình độ chuyên môn vững vàng, thái độ làm việc nghiêm túc, giữ được cái tâm trong sáng của người kỹ sư và có phương pháp thực hiện khoa học, bài bản chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và xã hội. Đó cũng là nền tảng chính cho thành công của các dự án công về hạ tầng giao thông vận tải.

Sau thành công của Dự án sửa mặt cầu Thăng Long, trên bục giảng đường Trường Đại học Giao thông Vận tải lại là những ngày miệt mài truyền lửa đến các học trò của PGS Minh.

“Thành công của Dự án sửa chữa cầu Thăng Long đem lại niềm tin rất lớn với chúng tôi. Chúng tôi luôn cố gắng lan tỏa niềm tin ấy đến những thế hệ tiếp nối. Trong nghiên cứu khoa học cần nhiệt huyết, lòng say mê và bản lĩnh. Ngay trong quá trình thực hiện dự án, trường đã tổ chức nhiều đợt, đặc biệt là sinh viên năm cuối tham quan và tìm hiểu công nghệ tại công trình và tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Để sinh viên tận mắt thấy được những gian khó, nhưng đây cũng là niềm vui lớn của người làm khoa học chân chính khi thành công khẳng định tên tuổi cũng mở đường cho sự nghiệp công việc”, PGS.TS Ngô Văn Minh chia sẻ.

Trên giảng đường và trực tiếp đưa sinh viên đến công trường, thầy Minh luôn nhắn gửi các bạn trẻ hãy cố gắng học tập. Hôm nay các bạn là học trò, ngày mai là đồng nghiệp trên những công trình lớn dọc dài đất nước. Thành công và sự ủng hộ của xã hội cho mỗi dự án, dù nhỏ bé sẽ là ngọn lửa nuôi dưỡng đam mê của chúng ta, là cách để các kỹ sư được sống và làm nghề thực sự có ích cho bản thân và đất nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.