Hoàn thành sửa mặt cầu Thăng Long: Gần 270 tỷ đồng “mua” tuổi thọ 30 năm

GD&TĐ - Sáng 7/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức lễ thông xe cầu Thăng Long sau khoảng 140 ngày sửa chữa. Đơn vị sửa chữa cam kết tuổi thọ mặt cầu Thăng Long sau lần sửa chữa này tối thiểu phải được 30 năm.

Thông xe cầu Thăng Long sáng 7/1.
Thông xe cầu Thăng Long sáng 7/1.

Giảm ùn tắc cho cửa ngõ Thủ đô

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khoảng 140 ngày thi công, vượt qua các điều kiện khó khăn, dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Trước đó, cầu Thăng Long mặc dù thực hiện sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ. Song các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, phần mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện các hư hỏng, xuống cấp làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Từ thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng sau đó thảm bê tông nhựa polime.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, tổng mức đầu tư dự án gần 270 tỷ đồng. Với phương án sửa chữa mới, mặt cầu sẽ bảo đảm tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tối thiểu là 30 năm. Trong đó, lớp phủ bê tông nhựa polime là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai 3 của Hà Nội. Việc thông xe góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Phó Thủ tướng khẳng định đây là công trình sửa chữa quan trọng, tiến độ gấp rút, đòi hỏi chất lượng cao. Việc lựa chọn, ứng dụng công nghệ phải bảo đảm tính bền vững, an toàn, khai thác ổn định lâu dài.

Dự án này do các kỹ sư Việt Nam chủ trì thực hiện. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, phương án tổ chức thi công được tiến hành thận trọng, khoa học. Công trình cũng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia, máy móc thiết bị hiện đại...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao các nhà thầu, tư vấn giám sát, các cán bộ, lao động đã rất tích cực, trách nhiệm. Không quản ngày đêm để triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, yêu cầu Bộ GTVT và TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tích cực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng.

“Theo quy hoạch 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô phát triển sang cả phần phía Bắc sông Hồng. Sắp tới theo chỉ đạo của Thủ tướng, phía Bắc cần phải được phát triển thành đô thị mới hiện đại. Có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Có sức hấp dẫn trở thành đối trọng với phía Nam sông Hồng. Thu hút người dân từ đô thị lõi sang vùng này để tạo hình ảnh mới cho Thủ đô văn minh hiện đại. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị dọc theo sông Hồng và phải làm các cầu qua sông Hồng…”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin.

Cân tự động “siết” xe quá tải

Để bảo đảm an toàn khi đưa công trình vào khai thác, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với TP Hà Nội khẩn trương thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan khai thác, quản lý công trình an toàn, hiệu quả. Đặc biệt lưu ý triển khai phương án kiểm soát tải trọng xe qua cầu để bảo đảm an toàn và tuổi thọ công trình...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, việc sửa chữa cầu Thăng Long là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án. Bảo đảm đồng bộ, lưu thông thông suốt và an toàn giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, tạo sự liên kết giữa các vùng. Đề nghị các cơ quan cấp dưới kiểm soát tải trọng xe để bảo đảm tuyệt đối an toàn, nâng cao tuổi thọ công trình.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, ngay sau khi đưa vào khai thác lực lượng thanh tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm soát tải trọng toàn bộ phương tiện qua cầu Thăng Long. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu vị trí lắp đặt kiểm soát tải trọng tự động trên Vành đai 3 và cầu Thăng Long. Hệ thống này bằng công nghệ cân tự động làm cơ sở phạt nguội các phương tiện quá trọng tải khi lưu thông trên tuyến.

“Khi các vị trí kiểm soát tải trọng tự động chưa được thiết lập thì Tổng cục phối hợp với UBND TP Hà Nội sử dụng các loại cân khác để kiểm soát trọng tải của xe đi qua cầu Thăng Long và đường Vành đai 3. Đây cũng là việc làm để giữ tuổi thọ, độ bền cầu Thăng Long được tốt hơn, bền vững hơn...”, ông Huyện nói.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được nghiên cứu từ năm 1972, được Trung Quốc bắt đầu xây dựng từ năm 1974 và được Liên Xô hoàn thành vào năm 1985. Cầu Thăng Long là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.

Cầu được xây dựng với nhịp chính vượt sông dài 1.680 m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336 m. Cầu gồm 2 tầng là cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ