Những hiểu lầm về học nghề
Theo thông tin từ bản tin thị trường lao động quý IV/2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70% song tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt từ 27 - 27,5%. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng, để có công việc tốt, việc học đại học sau khi tốt nghiệp THPT là con đường duy nhất.
Nguyễn Hồng Minh (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù không yêu thích hay có định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh song ngành quản trị kinh doanh mà bạn trẻ này đang theo học lại là “chiếc phao cứu sinh” khi Minh vừa đủ điểm để đỗ đại học.
“Em cũng có đề xuất với bố mẹ rằng có thể học nghề tại các trường cao đẳng song bố mẹ em không đồng ý. Bố mẹ cũng giống nhiều bậc phụ huynh khác, đều cho rằng việc học đại học vẫn có “giá” và dễ xin việc hơn”, Minh cho biết.
Theo ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, khi cánh cửa vào đại học thất bại, nhiều học sinh sẽ dừng luôn việc học và lựa chọn làm các công việc tự do. Điều này dẫn đến một hệ lụy, việc làm kỹ thuật cần tay nghề cao thì thiếu trầm trọng, nhiều sinh viên ra trường lại phải loay hoay tìm việc.
Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải xin làm một công việc không liên quan tới chuyên ngành đào tạo. Các doanh nghiệp bởi vậy mà lại mất thời gian đào tạo lại từ đầu hoặc mất thêm chi phí tuyển dụng.
Chính bởi vậy, việc thừa thiếu nhân lực vẫn là vấn đề chưa có được lời giải. Theo ông Khải, vấn đề quan trọng và thực tế nhất là sự thay đổi về nhận thức ở chính các em học sinh và đặc biệt là ở các bậc phụ huynh.
Việc chọn hướng rẽ đào tạo nghề, đào tạo trung cấp kỹ năng không có nghĩa là các em học sinh có học lực yếu kém. Mỗi loại hình đào tạo đều có giá trị riêng và phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của từng người. Các chứng chỉ đào tạo nghề cũng có giá trị tương đương bằng cử nhân trên thị trường việc làm.
Hơn hết, một lợi thế khi học nghề là các em học sinh được trải nghiệm và có thời gian thực chiến. Hiện nay, giáo viên tại các cơ sở đào tạo nghề đều được chọn lọc và đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được tiếp cận với trang thiết bị, máy móc trực tiếp, và có thể tiếp cận thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì vẫn mang nặng tư tưởng trọng bằng cấp nên nhiều người vẫn lầm tưởng rằng sau khi học nghề, chỉ có thể làm những công việc nặng nhọc với mức lương không cao. Hoặc dứt khoát phải có bằng đại học thì mới dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp với mức lương cao.
Tuy nhiên, quan điểm này không đúng với bối cảnh xã hội hiện nay. Có rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, từ kỹ thuật, công nghệ thông tin, thiết kế, y tế, đến nghệ thuật, kinh doanh, khách sạn và du lịch, nấu ăn, thẩm mỹ...
Cơ hội việc làm rộng mở
Hiện nay mức lương, chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp của những ngành cần kỹ năng tay nghề so với những ngành đào tạo mang tính hàn lâm hiện nay ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn mức lương trung bình.
Tốt nghiệp cao đẳng nghề, anh Đỗ Mạnh Hà (29 tuổi, quê Vĩnh Phúc) mang hồ sơ đăng ký vị trí việc làm kỹ thuật tại xưởng lắp ráp đồ điện tử của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Anh Hà tự tin cho biết, mức lương hiện tại anh hiện đang được nhận là 21 triệu đồng/tháng, khá cao so với mặt chung.
“Đãi ngộ đối với nhân viên tại doanh nghiệp cũng rất tốt, bảo hiểm được đóng đầy đủ. Tôi làm ở đây được 5 năm, lộ trình thăng tiến được nhà tuyển dụng vạch ra từ đầu cũng rất rõ ràng và bài bản. Tôi cũng được đề xuất đến thị trường Hàn Quốc làm việc với mức lương cao 40 triệu đồng/tháng vì nhu cầu tuyển nhân sự kỹ thuật có tay nghề ở thị trường này đang rộng mở”, anh Mạnh Hà chia sẻ.
Có thể thấy, cơ hội nghề nghiệp đối với kỹ thuật viên có tay nghề rất lớn khi nhu cầu nhân sự kỹ thuật có tay nghề không chỉ giới hạn thị trường trong nước, mà cả tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Nhiều đất nước thiếu nhân lực còn cấp các loại visa đối với người động tay nghề cao từ các nước thứ ba.
Anh Bùi Cao Huy (33 tuổi, quê Hải Dương) - đang hành nghề đầu bếp tại Úc cho biết, nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… sẵn sàng chi trả mức thu nhập khá cao cho người lao động nhập cư có tay nghề cao. Đồng thời, các chính sách bảo lãnh người thân, thường trú nhân được các nước này đưa ra cũng rất hấp dẫn. Theo số liệu thống kê, mức lương bình quân của đầu bếp là 60,328 AUD/năm, điều dưỡng viên tại Đức khoảng 23.000 đến 30.000 Euro/năm…
Ông Trịnh Cao Khải nhấn mạnh: Tuy rằng xã hội hiện đại đã thay đổi tư duy của nhiều người song việc phá bỏ rào cản tâm lý học nghề ở nước ta không phải câu chuyện “một sớm một chiều”. Để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề, vấn đề thay đổi nhận thức trong phụ huynh và học sinh vô cùng cần thiết. Muốn học sinh hiểu đúng những thông tin đào tạo nghề, việc tư vấn hướng nghiệp nên bắt đầu từ cấp trung học.
“Công tác hướng nghiệp cần được thực hiện rõ ràng, bài bản. Điều này giúp các em học sinh tìm hiểu được sở thích gắn với tự đánh giá được năng lực của bản thân. Từ đó, chính các em chủ động xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng phù hợp với định hướng của bản thân.
Đào tạo hướng nghiệp từ sớm là điều cần thiết, điều này giúp các em học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp thời đại, sở thích và năng lực. Làm tốt vấn đề này mới góp phần giải quyết bài toán cung cầu lao động đang còn bất cập ở Việt Nam”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nêu quan điểm.
Tại các quốc gia phương Tây, việc đào tạo hướng nghiệp hay còn gọi là Phát triển nghề nghiệp, tập trung ở trẻ từ 5 – 14 tuổi. Ví dụ, ở Đức, công tác tham vấn và tư vấn cá nhân, tham quan các công ty, gặp gỡ với đại diện của các ngành nghề… là những hoạt động bắt buộc ở các trường phổ thông. Mỗi học sinh Đức có một cuốn sổ ghi chép những thông tin chung về cha mẹ, tính cách, sở thích (sách, phim, trò chơi điện tử, thể thao, sở thích).
Bình luận