PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Mỗi giáo viên phải thay đổi từ chính mình

GD&TĐ - PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá GD, Viện Khoa học GD Việt Nam cho rằng, vai trò của đội ngũ rất quan trọng trong đổi mới GD.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ tham gia tập huấn giáo viên lập kế hoạch đánh giá học sinh ở Trường Tiểu học, THCS Victoria Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: NVCC
PGS.TS Chu Cẩm Thơ tham gia tập huấn giáo viên lập kế hoạch đánh giá học sinh ở Trường Tiểu học, THCS Victoria Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cũng theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, để nâng cao chất lượng, vẫn còn không ít việc phải làm.

Thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số

- Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cần phải thay đổi ra sao để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, thưa bà?

- Trong thời điểm hiện nay, mỗi trường học đang thực hiện chuyển đổi để vừa thực hiện chương trình giáo dục với các mục tiêu giáo dục mới ở mọi cấp học, vừa thích ứng với thời đại có nhiều biến động, trong đó có bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những thách thức về môi trường, về nhu cầu học tập, phát triển của con người. Chỉ tính riêng xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đã khiến cho mỗi người học có thêm những không gian học tập mới trên nền tảng số - điều mà trước đây không có. Người giáo viên không được đào tạo trong khi học tập ở trường sư phạm và trong các khóa bồi dưỡng nghề nghiệp.

Trên không gian số đó, người học, người dạy có thể dễ dàng tìm kiếm các chương trình học tập, nội dung hấp dẫn, cạnh tranh với việc học truyền thống. Thế giới ảo vừa là môi trường tuyệt vời, công nghệ là người bạn, đồng nghiệp hữu ích cho giáo viên, nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy thử thách với mỗi cá nhân để có được sự an toàn, hữu ích thực sự. Tiếp cận về nhu cầu học tập của mỗi người cho thấy, giờ đây người học không bằng lòng với những nội dung sẵn có, bó gọn trong sách giáo khoa, ngay cả cách dạy học truyền thống, dựa vào bài giảng giải của thầy, tuân thủ những gì thầy giáo giao…

Hơn nữa, xu thế phát triển của xã hội đòi hỏi con người phát triển cho mình những kỹ năng quan trọng như tự học, quản lý bản thân, giao tiếp, hợp tác, thích nghi với cuộc sống. Giáo dục các cấp giờ đây đòi hỏi sự tích hợp, liên thông, cùng nhau định hướng nghề nghiệp, giá trị sống cho người học. Những điều nêu trên cho thấy tất yếu mỗi người giáo viên phải thay đổi chính mình. Thay đổi từ nhận thức mục tiêu giáo dục đến cập nhật nội dung, phương pháp và trách nhiệm của nghề nghiệp để đáp ứng những yêu cầu mới.

- Việc thay đổi ở chính giáo viên là điều cần thiết, tuy nhiên, khi thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Vậy theo bà, họ cần làm gì?

- Trong quá trình tự điều chỉnh để tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, người giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Họ có áp lực từ cuộc sống khi điều kiện làm việc, thu nhập… thiếu thốn, chưa giúp họ an tâm cho chuyên môn. Mặt khác, ở mỗi trường học có nhiều cản trở từ thực tế vận hành. Chưa tính đến những yếu tố về cơ sở vật chất, tài chính, môi trường thì chính yếu tố con người cũng tạo ra không ít rào cản. Bởi một số nhà quản lý giáo dục, một số vị trí việc làm, người lao động trong ngành Giáo dục vẫn chưa có nhận thức đúng, đồng đều, chưa sẵn sàng tâm thế cho sự đồng lòng thay đổi.

Riêng về kỹ năng số, dù giáo viên được đào tạo cơ bản, nhưng họ không có thói quen sử dụng thường xuyên, không có hạ tầng, dữ liệu và yêu cầu bắt buộc để thực thi một cách hệ thống. Do đó, phần lớn giáo viên chưa thể làm chủ việc dạy học, đánh giá người học trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, bối cảnh ngày nay cần thực hiện các nội dung công việc một cách tích hợp, đồng bộ. Nếu làm rời rạc, sẽ dẫn đến quá tải công việc của giáo viên và không giải quyết được đúng vấn đề, làm hiểu sai bản chất.

Từ nghiên cứu và thực tiễn triển khai ở một số địa phương, nhà trường, chúng tôi nhận thấy cần tư duy hệ thống và điều chỉnh mô hình vận hành trường học, cơ cấu lại các mảng công việc, bộ máy trong nhà trường. Nhất thiết phải có nền tảng công nghệ tích hợp các dữ liệu cho dạy, học; đánh giá thường xuyên và coi công nghệ là phần tất yếu tham gia vào mọi khâu của quá trình giáo dục.

Giáo viên song song với học sử dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý, đánh giá, giao tiếp với người học, phụ huynh thì cần được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ mới như khai vấn học đường, tổ chức hợp tác trong dạy học, phối hợp gia đình, xã hội… Đặc biệt là phát triển cho người học các kỹ năng tư duy bậc cao, gợi mở cho người học những chương trình, nội dung giáo dục phù hợp.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chủ động làm mới mình

- Là chuyên gia giáo dục thường xuyên chia sẻ về kỹ năng và phương pháp giáo dục cho nhà giáo thông qua Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới, bà đánh giá thế nào về mục tiêu và hiệu quả của mô hình này?

- Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp) trực thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục, là câu lạc bộ của các nhà quản lý giáo dục. Mạng lưới này ra đời để tạo ra một môi trường kết nối nhà quản lý giáo dục ở các cấp, trang bị cho họ tầm nhìn rộng mở về cách thực hiện mục tiêu giáo dục, truyền bá kinh nghiệm và cùng nhau thực hành hiệu quả các mô hình giáo dục.

Trong gần 2 năm thành lập, Mạng lưới đã tổ chức được khoảng 20 hội thảo theo mô hình kết nối Chuyên gia - Nhà trường điển hình - Nhà quản lý muốn học hỏi, tập trung vào những chủ đề: Sức khỏe học đường, Chuyển đổi số trong giáo dục, Năng lực của Hiệu trưởng trong vận hành trường học hiệu quả, Trường học hạnh phúc, Hướng nghiệp…

Đặc biệt, dự án Tam giác hướng nghiệp do Mạng lưới khởi xướng đã mang đến cho các trường phổ thông thực tiễn thực hành hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học trong mô hình thực tiễn; các vấn đề từ đời sống của học sinh, giáo viên hướng dẫn và nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp hỗ trợ triển khai. Những nội dung này được Mạng lưới tiếp tục triển khai, mở rộng, tạo động lực cho các trường học nói chung, nhà quản lý, giáo viên nói riêng tự thay đổi, hướng tới sự thành công bền vững cho giáo dục.

- Thực tế trong những năm qua, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên ở nước ta cùng tham gia vào cộng đồng “Giáo viên sáng tạo Việt Nam” đã không ngừng tăng lên. Là nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục, bà đánh giá ra sao về sự chủ động của đội ngũ?

- Bản chất đó là cộng đồng các giáo viên tự học, sử dụng bộ công cụ Office 365 của Microsoft. Sự phát triển của cộng đồng là minh chứng cho việc giáo viên cần được tạo động lực để họ chủ động và cần học bài bản để sử dụng thành thạo với bộ công cụ nào đó (không nhất thiết là Office 365) nhưng phải có cho giáo viên, trường học những nền tảng tốt, hệ thống.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, nền tảng đó cần có dữ liệu, phục vụ trực tiếp công việc chuyên môn giáo dục. Thông qua sử dụng, học được công cụ, kỹ năng chuyên môn sẽ được tích hợp với kỹ năng số, là tiền đề để họ triển khai công việc. Trong những thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều nhà giáo đã có cơ hội tham gia cộng đồng “Giáo viên sáng tạo Việt Nam”, được học tập, kết nối với nhiều thầy cô giáo nhiệt huyết trong cả nước.

Những hỗ trợ trên của cộng đồng đã giúp giáo viên và các trường từng bước thay đổi tư duy nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Trong số đó, có thể kể tới như Trường THCS Đông La - ngôi trường từ con số đã vượt qua khó khăn để trở thành một điểm sáng trong dạy học trực tuyến ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Và giờ đây, khi trở lại học tập bình thường thì nhiều nhóm nhà giáo vẫn tiếp tục hỗ trợ nhau trong công việc và cả trong cuộc sống như một gia đình ấm áp.

Điều khâm phục nhất là dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thầy cô giáo vẫn tiếp tục học tập và sáng tạo, khai thác tính năng của các công cụ trong Office 365 để từng bước chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy. Chính vì vậy, đội ngũ chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE) tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Giáo viên tại TP Thái Nguyên tham dự tập huấn về dạy học thích ứng với chuyển đổi số. Ảnh: NVCC

Giáo viên tại TP Thái Nguyên tham dự tập huấn về dạy học thích ứng với chuyển đổi số. Ảnh: NVCC

Ghi nhận đóng góp

- Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội đã tổ chức xét tặng giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo để động viên, tôn vinh, lan tỏa các tấm gương nhà giáo có nhiều đổi mới, sáng tạo. Điều này sẽ tạo ra những hiệu ứng gì trước yêu cầu về đổi mới giáo dục?

- Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo đã được tổ chức mùa thứ 6. Năm nay, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội lựa chọn 40 thầy cô đại diện cho các cấp học. Ban tổ chức đã mang đến một nét mới đó là các ứng viên trình bày thành tựu của mình trước Hội đồng xét duyệt giải thưởng và đường truyền trực tiếp đến điểm cầu của 30 phòng GD&ĐT trực thuộc và gần 200 trường THPT trên toàn thành phố.

Tiếp xúc với hồ sơ của các thầy cô giáo tham dự giải, trực tiếp trao đổi trong Hội đồng, hành trình tâm huyết của nhà giáo được khắc họa rất rõ nét khiến tôi khâm phục và được truyền thêm động lực. Có những giáo viên miệt mài với học sinh học hòa nhập, bằng tình yêu thương chân thành, kiên trì, cô giáo đã mang lại niềm tin và thành công cho các em, cho giáo dục.

Tôi cũng ấn tượng với sáng tạo mang “Lời hát ru vào giờ ngủ trưa” của cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Di Trạch, huyện Hoài Đức. Sáng tạo của cô đã tạo ra một hiệu ứng tâm hồn, văn hóa cho mỗi giáo viên và đến các học trò, tạo ra dòng chảy cho văn hóa dân tộc, đời sống cội nguồn và mỗi con người được khơi sáng. Rất nhiều thầy cô ở các đầu cầu đã học được những bài học hay cùng niềm tâm đắc.

Chắc chắn nhiều người càng thêm trăn trở khi thấy được tâm huyết từ các tấm gương vẫn phần nhiều là khắc phục khó khăn từ các cơ sở. Nhiều thầy cô phải vất vả để trường đủ điều kiện đạt chuẩn, phải sắm vai “thợ hồ”, “thợ điện”... để tạo nên cơ sở khang trang. Có những tấm gương về tự học, nhất là ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học, học không ngừng, như lời một thầy giáo tại Trường THCS Đức Thắng – quận Bắc Từ Liêm nói: “Không ngừng tâm huyết sẽ mang lại những thành tựu phi thường”.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.