Giáo viên thực hiện “3 tại chỗ”
Thời điểm đầu tháng 11/2021, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chỉ có 4 trường tổ chức dạy học trực tiếp. Ông Trương Quang Dũng – Trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Hành cho biết: Trong tuần đầu tiên học sinh đến trường, để bảo đảm yêu cầu giãn cách, các trường chia đôi lớp học, giáo viên vì thế phải dạy học cả ngày với cùng một nội dung.
Sau một tuần triển khai, xét thấy với cường độ làm việc kéo dài như vậy, giáo viên sẽ không đủ sức khỏe. Chưa kể, giáo viên không có nhiều thời gian cho việc soạn giảng, nhất là thầy, cô dạy học ở các khối lớp 1 - 2 và lớp 6, đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường không chia đôi lớp học nữa mà chia thành khối lớp, buổi sáng có 3 khối lớp học, buổi chiều 2 khối lớp. Học sinh chỉ học 1 buổi/ngày.
Tuần đầu tiên sau khi học sinh trở lại trường, một số trường tiểu học ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) sử dụng phương án chia lớp thành 2 ca, sáng và chiều. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến, nếu chia đôi lớp học, bình quân mỗi giáo viên dạy các môn văn hóa sẽ phải dạy 42 tiết/tuần, trong khi đó, theo như quy định bình chỉ có 23 tiết/tuần.
“Sở GD&ĐT chỉ đưa ra một số phương án để các trường tùy điều kiện thực tế để lựa chọn. Nếu trường nào thiếu giáo viên theo chỉ tiêu biên chế có thể hợp đồng để bảo đảm tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Với giải pháp sắp xếp lại sĩ số lớp học theo đúng quy định (30/học sinh/lớp đối với các khối lớp 2 - 4, dưới 30 học sinh đối với khối lớp Một, giáo viên dạy bình quân khoảng 27 - 28 tiết), đỡ áp lực hơn nhiều so với việc chia đôi lớp học để dạy học 2 ca/ngày” - cô Quỳnh Hoa so sánh.
Các trường học thuộc vùng xanh của huyện miền núi Quảng Ngãi đã tạo điều kiện, hỗ trợ nơi ăn ở, sinh hoạt cho giáo viên để triển khai phương án “3 tại chỗ” trong triển khai dạy học trực tiếp. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) hiện có 22 giáo viên thực hiện “3 tại chỗ” theo yêu cầu phòng, chống dịch của địa phương.
Thầy Nguyễn Minh Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường sắp xếp mỗi phòng công vụ có 4 giáo viên. Quả là hơi chật chội nhưng giáo viên đành phải chịu khó. Với 4 giáo viên có con nhỏ theo cùng, nhà trường tạo điều kiện để các cô được ở phòng riêng. Ngoài hỗ trợ điện nước, nhà trường trang bị thêm tủ lạnh để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho giáo viên thực hiện “3 tại chỗ”.
Gỡ khó cho giáo viên
Ông Trương Quang Dũng thông tin, ngoài chương trình bồi dưỡng, tập huấn được triển khai trong hè, một số nội dung còn lại, giáo viên tham gia bồi dưỡng trong thời gian đầu triển khai năm học mới.
“Thầy cô đã làm quen với hình thức bồi dưỡng trực tuyến. Giáo viên cốt cán các môn cũng hình thành nhóm trao đổi, giải đáp trong quá trình triển khai các hoạt động dạy - học. Quan trọng nhất là trong quá trình dạy - học thực tế, giáo viên sẽ vận dụng các nội dung, phương pháp được tập huấn thế nào để tổ chức dạy học đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình từng môn, cấp học trên cơ sở phù hợp với điều kiện của nhà trường. Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ giáo viên trên những tình huống thực tế trong quá trình dạy học”, ông Dũng chia sẻ.
Trường THCS Cát Nhơn (huyện Phù Cát, Bình Định) bố trí 2 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Trong đó, chủ đề của môn Vật lý do giáo viên được đào tạo môn Vật lý đảm nhận. 2 chủ đề còn lại, do 1 giáo viên được đào tạo sư phạm Hóa – Sinh và thạc sĩ Sinh học đảm nhận.
Thầy Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thuận lợi cho giáo viên, trong sắp xếp thời khóa biểu, phải bảo đảm cân đối, hợp lý. Về phía giáo viên, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất trong khâu kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Trong tương lai, theo thầy Hùng, nhà trường sẽ tiến tới một giáo viên đảm nhiệm dạy 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên. Vì vậy, giáo viên phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với đặc thù của trường miền núi, số lượng lớp ít, giáo viên ngoài công tác giảng dạy phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác như quản lý học sinh nội trú, hướng dẫn các em tự học ngoài giờ… nên khi có lịch tập huấn, ban giám hiệu sẽ điều chỉnh trong phân công công việc để tất cả giáo viên đều được tập huấn và không dồn việc cho một người. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) phân công lại công việc, giáo viên chỉ thực hiện công tác dạy học và tham gia các lớp bồi dưỡng.
Cô Nguyễn Thị Như Ý (giáo viên Toán, khối THCS) cho biết: “Ngoài hỗ trợ về công nghệ thông tin và kinh phí để mở tài khoản tập huấn trực tuyến, được nhà trường ưu tiên tối đa để giáo viên có thời gian tự bồi dưỡng và bồi dưỡng trực tuyến đã tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành các mô-đun với chất lượng cao nhất có thể. Thầy cô, vì thế tự tin bước vào giảng dạy và bắt nhịp yêu cầu chương trình mới”.