Quảng Ninh giữ ngôi đầu
Sáng 28/3, VCCI công bố PCI 2018. Lần thứ 14 liên tiếp được công bố, báo cáo PCI 2018 được Ban tổ chức nhấn mạnh là tập hợp tiếng nói của đông đảo các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 DN, trong đó gần 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và trên 1.500 DN có vốn FDI đang hoạt động tại 20 địa phương, cung cấp góc nhìn đa dạng về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Báo cáo PCI 2018 cũng phân tích về ứng phó của DN Việt Nam trước những biến động lớn của thương mại quốc tế, dành một chương riêng phân tích về thực trạng và lý giải nguyên nhân khu vực DN tư nhân Việt Nam chưa tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bảng xếp hạng PCI 2018, ở vị trí dẫn đầu, Quảng Ninh đạt 70,36 điểm trên thang điểm 100, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An 68,09 điểm, Bến Tre 67,67 điểm.
Trong năm vừa qua, 60% DN trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định và 74% DN đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Đây là con số cao nhất cả nước. Một trong những lĩnh vực được DN, các nhà đầu tư khá hài lòng là TTHC đất đai.
Các tỉnh, thành tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TPHCM. Sau nhiều năm, Hà Nội đã nằm trong top 10 với 65,40 điểm. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đây là vị trí cao nhất của Hà Nội trong các năm qua và cho thấyHà Nội đã có bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.
|
Nâng cao tính minh bạch
Trong phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, Báo cáo PCI 2018 là một bức tranh có nhiều khởi sắc. PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Theo Chủ tịch VCCI, điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.
“Các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái DN Nhà nước và DN FDI so với DN tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm nhiều. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng”, ông Lộc chia sẻ.
Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% DN tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% DN sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
Bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực, nhưng ông Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Đó là chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN Nhà nước và FDI hơn các DN tư nhân.
Theo phản ánh từ DN, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. TTHC còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, còn ít được cải thiện….
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các DN kỳ vọng chính quyền nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế...