Khi niềm tin bị “đánh cắp”
Trao đổi với Báo GD&TĐ về cách đối xử với khách hàng của một bộ phận doanh nghiệp còn những hành vi gian lận (như đánh lận con đen về nhãn mác, gây hiểu lầm xuất xứ hàng hóa, thu hút khách mua hàng bằng các xảo thuật thiếu trung thực…), đã bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua, PGS.TS Đỗ Minh Cương (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp) cho biết:
“Trong kinh doanh, tiêu chuẩn đầu tiên là phải trung thực, không làm hàng giả và lừa dối khách hàng. Quảng cáo sai thông tin về sản phẩm tưởng rằng rất đơn giản, nhưng đó chính là kinh doanh không trung thực, lừa đảo… Không chỉ vi phạm đạo đức mà những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Hiện nay, ở Việt Nam có xu hướng chuẩn mực đạo đức và pháp luật tương trợ cho nhau. Chẳng hạn, những quy định pháp luật là tiêu chí tối thiểu để đánh giá người kinh doanh có đạo đức hay không.
Thực tế, không ít người kinh doanh có tấm lòng và hành xử vượt chuẩn mực cơ bản về pháp luật. Ví dụ, cùng với việc kinh doanh trung thực, doanh nghiệp còn làm từ thiện, cống hiến rất nhiều cho xã hội”.
|
Nhắc đến hiện tượng dùng mánh khóe “bôi trơn” để khỏa lấp những hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thẳng thắn cho rằng: “Với những hành vi tưởng chừng rất nhỏ của một vài doanh nghiệp cũng có thể dần dần hình thành một nếp sống, quan niệm xã hội”.
“Tại sao anh bán gạo mà chỉ mong mất mùa để giá tăng cao?”- ông Dương Trung Quốc nói - “Chung quy văn hóa kinh doanh là ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Cuối cùng, kinh doanh vẫn phải trở về đúng quy luật. Chúng ta đã tiến hành cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đây là khẩu hiệu tốt cho thời kỳ đầu của cuộc vận động. Còn đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin trong hoạt động kinh doanh. Cho nên, người Việt vẫn chỉ lo “giải cứu” nhau, thiếu sự tự tin, phấn đấu. Thành thử trong người tiêu dùng Việt vẫn tồn tại tâm lý sính hàng ngoại”.
Theo ông Dương Trung Quốc: “Đã đến lúc hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam. Một thị trường đứng thứ 13 thế giới về dân số, doanh nghiệp nước ngoài ùn ùn kéo đến đầu tư, kinh doanh. Vậy mà chính nhiều doanh nghiệp Việt lại “bỏ không” thị trường, thua ngay trên sân nhà.
Doanh nghiệp còn yếu vì chỉ mong người tiêu dùng cứu mình mà không mong chinh phục người tiêu dùng, chinh phục thị trường. Chinh phục được thị trường trong nước chính là phục vụ người dân bằng những sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất, mang lại lợi ích cho xã hội và cho chính doanh nghiệp. Quan trọng hiện nay doanh nghiệp phải thay đổi tâm thế”.
Hàng hóa Việt phải mang nhãn mác ngoại để khiến người tiêu dùng tưởng lầm là hàng ngoại, để dễ bán hàng. Nhưng một bài học nhãn tiền mà theo ông Dương Trung Quốc là chính hàng Trung Quốc còn phải “nhái” hàng Việt, đeo nhãn mác “made in Vietnam”, rồi trà trộn đưa vào thị trường, để bán cho những khách hàng đã bị hàng Việt chất lượng chinh phục.
|
Giữ chữ “Tín” - sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao
“Trong thời buổi thị trường thay đổi nhanh chóng, văn hóa doanh nghiệp cũng có lúc bị coi nhẹ, cách nhìn về thương hiệu thậm chí bị sai lệch… Thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ đơn giản là cái tên hay cái logo, mà còn bao gồm cả cách làm ra sản phẩm, văn hóa ứng xử với khách hàng” - ông Phạm Đức Bình (CEO Công ty Công nghệ BNC Việt Nam) nêu thực tế.
TS Đỗ Hữu Hải (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Một trong các tiêu chuẩn đáng chú ý là đạo đức của người kinh doanh đối với khách hàng.
“Ngay với đối thủ trong kinh doanh, nếu doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh sẽ thực hiện những biện pháp mà pháp luật không cấm, để cạnh tranh với đạo đức kinh doanh và tôn trọng đối thủ” - TS Hải phân tích - “Còn khi đã cạnh tranh không lành mạnh là người kinh doanh dùng các thủ đoạn cản trở hoạt động của đối phương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dẫn tới các hiện tượng thông đồng giữa các đối thủ cạnh tranh để nâng giá sản phẩm, dịch vụ; hay hành vi ăn cắp bí mật thương mại của công ty đối thủ; dùng thủ đoạn xấu để thắng thầu; sử dụng những biện pháp cạnh tranh thiếu văn hóa”.
Quảng cáo sai thông tin về sản phẩm tưởng rằng rất đơn giản nhưng đó chính là kinh doanh không trung thực, lừa đảo… Không chỉ vi phạm đạo đức mà những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Nói về văn hóa doanh nghiệp, ông Dương Trung Quốc nhận xét: “Dường như tất cả vẫn còn nằm ở khẩu hiệu, nằm trên chủ trương. Thực tế văn hóa và đạo đức doanh nghiệp đã đi vào đời sống chưa? Làm thế nào để những khẩu hiệu đi vào được đời sống? Để chúng ta không lỡ cơ hội nữa, cơ hội mà doanh nghiệp đang sẵn sàng, nhưng lại không theo kịp”.
PGS.TS Đỗ Minh Cương khẳng định một định hướng mà những người kinh doanh không thể nằm ngoài: “Đưa văn hóa thấm vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để doanh nghiệp có được chữ “Tín” với người tiêu dùng, có được sản phẩm có hàm lượng văn hóa, tạo được giá trị gia tăng cao, nhờ đó phát triển bền vững… Theo tôi, cách tiếp cận CMCN 4.0 thông minh là phải đưa yếu tố văn hóa vào hoạt động doanh nghiệp, ngay từ ban đầu khởi nghiệp, như vậy mới góp phần rút ngắn sự tụt hậu so với thế giới”.