Zakynthos
Zakynthos là một hòn đảo của Hy Lạp nằm ở biển Ionia. Trong thời kỳ diệt chủng người Do Thái, hòn đảo này đã chào đón 275 người Do Thái, dưới sự che chở, bảo vệ của đức giám mục Chrysostomos Demetriou và thị trưởng Loukas Karrer.
Tháng 10/1943, chỉ huy Đức Berenz đã kéo quân đến đảo Zakynthos. Berenz đã gặp thị trưởng Karrer và giám mục Chrysostomos và thông báo với họ rằng tất cả người Do Thái sống trên đảo phải tuân thủ lệnh giới nghiêm, đồng thời dán dấu hiệu Do Thái trên cửa. Đức giám mục lập luận rằng, người Do Thái là một phần của cộng đồng người dân trên đảo và không nên bị ngược đãi. Berenz nói với hai người rằng dù thế nào đi nữa, người Do Thái sẽ bị trục xuất. Người dân của Zakynthos, bao gồm cả thị trưởng và giám mục, đều hiểu rõ về các trại tử thần và việc “bị trục xuất” thực sự sẽ là gì.
Thị trưởng Karrer đã cảnh báo người Do Thái. Họ được đưa vào trú ẩn tại các gia đình Kitô giáo trên khắp hòn đảo. Tháng 10/1944, Berenz triệu tập thị trưởng Karrer một lần nữa. Lần này, chỉ huy người Đức ra lệnh cho ông phải cung cấp một danh sách tất cả người Do Thái ở Zakynthos trong vòng 24 giờ, nếu không, ông sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời mình.
Thị trưởng Karrer bàn bạc với đức giám mục Chrysostomos. Ngày hôm sau, hai người đàn ông đưa cho Berenz một bản danh sách chỉ chứa tên của họ. Đức giám mục cũng đưa cho Berenz một bức thư gửi cho Hitler, nói rằng người Do Thái ở Zakynthos đang ở dưới sự bảo vệ của ông. Berenz đã gửi cả hai tài liệu cho Bộ Tư lệnh Đức tại Berlin và yêu cầu hướng dẫn về cách xử lý tình huống. Lệnh trục xuất người Do Thái Zakynthos đã bị thu hồi và lực lượng Đức rời đảo. Tất cả 275 người Do Thái Zakynthos đều sống sót.
Philippines
Từ năm 1937 - 1941, khoảng 1.200 người Do Thái đã trốn sang Philippines. Nhiều người đến từ Áo và Đức, họ bị đẩy ra khỏi đất nước mình theo các chính sách bài Do Thái ngày càng khắc nghiệt.
Vào thời điểm đó, Philippines đang trong giai đoạn chuyển đổi từ thời kỳ cai trị của Mỹ sang độc lập; chính sách đối ngoại vẫn do Mỹ kiểm soát. Tổng thống Philippines khi đó là Manuel Quezon đã tìm cách chào đón càng nhiều người tị nạn Do Thái càng tốt. Mỹ sẽ không cấp thị thực cho bất cứ ai cần hỗ trợ tài chính, vì vậy, ông đã lên kế hoạch đưa 10.000 người tị nạn lành nghề đến bờ biển nước mình. Ông đã thu xếp giúp các bác sĩ, kế toán, một giáo sĩ, và thậm chí là một nhạc trưởng để họ được phép vào nước mình.
Người Do Thái châu Âu đã trải qua cú sốc văn hóa ở Philippines. Thời tiết, thức ăn và ngôn ngữ đều rất khác so với những gì họ đã quen thuộc. Nhưng họ đã được chào đón và những người tị nạn có thể sống tự do.
Dòng người tị nạn bị gián đoạn khi người Nhật xâm chiếm năm 1941. Philippines đột nhiên ở tiền tuyến của cuộc chiến. Nhưng các lực lượng Nhật Bản không chia sẻ chương trình nghị sự của Hitler về việc tiêu diệt người Do Thái, mà ngược lại, những người có hộ chiếu Đức được coi là đồng minh. Trong khi người Philippines và người Mỹ bị cầm tù, thì những người Do Thái châu Âu vẫn được tự do. Khi các hòn đảo trở thành chiến trường, cuộc sống vẫn rất khó khăn đối với những người tị nạn. Bom rơi đạn nổ, số người chết tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái sống sót sau chiến tranh và vẫn biết ơn đất nước Philippines đã giúp họ thoát khỏi các trại tập trung ở châu Âu.
(Còn tiếp)