Ông Zelensky nói gì về lời thách đấu Oreshnik của Tổng thống Putin?

GD&TĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất tổ chức một cuộc đấu công nghệ giữa các sản phẩm của các tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga và phương Tây.

Hệ thống IRIS-T Đức cung cấp cho Ukraine.
Hệ thống IRIS-T Đức cung cấp cho Ukraine.

Tuyên bố của ông Putin

Nhắc đến những nghi ngờ của chuyên gia phương Tây về khả năng của tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik của Nga, trong phiên hỏi đáp thường niên "Direct Line", Tổng thống Putin đã đề nghị xoa dịu mối lo ngại của họ bằng một cuộc thử nghiệm đơn giản, theo TASS.

Đề xuất của ông rất đơn giản: hãy để các chuyên gia phương Tây chọn một cơ sở nào đó ở Kiev, ví dụ, triển khai hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tốt nhất mà phương Tây có thể cung cấp để bảo vệ cơ sở này, sau đó xem liệu các hệ thống phòng thủ này có thể chống lại một cuộc tấn công của Oreshnik hay không.

Tuy nhiên, kết quả của một cuộc thử nghiệm như vậy dường như đã được định đoạt vì không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có của phương Tây có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga, nhà phân tích quân sự Alexey Leonkov nói.

Ông cho biết, hệ thống THAAD được ca ngợi của Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel, về lý thuyết có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh thế hệ đầu tiên của Nga như Kinzhal và Zircon, nhưng lại có cơ hội cực thấp để đánh chặn Oreshnik, vũ khí siêu thanh thế hệ thứ hai.

Chuyên gia Leonkov nói thêm rằng các hệ thống phòng không như IRIS-T của Đức, SAMP-T của Pháp hay NASAMS của Mỹ và Na Uy cũng sẽ không có hiệu quả trước Oreshnik, ngay cả khi chúng bắn toàn bộ đạn tên lửa vào tên lửa Nga.

Đối với hệ thống Patriot nổi tiếng, ông Leonkov nhớ lại một hệ thống phòng không như vậy ở Kiev đã bắn tất cả 32 tên lửa đánh chặn vào một tên lửa siêu thanh Kinzhal đang lao tới nhưng không bắn trúng trước khi bị chính tên lửa Kinzhal đó phá hủy.

Trong khi hệ thống phòng không phương Tây có thể dẫn đường cho máy bay đánh chặn bay tới mục tiêu với tốc độ khoảng Mach 2,5 thì Oreshnik lao xuống mục tiêu với tốc độ Mach 12. Do đó, những vũ khí này có thể nhìn thấy Oreshnik nhưng vẫn không thể làm gì được.

Học giả Leonkov kết luận rằng thực tế là Oreshnik liên tục di chuyển với tốc độ siêu thanh và thay đổi quỹ đạo khi tiếp cận mục tiêu khiến cho hệ thống phòng không của đối phương hầu như không thể dự đoán được quỹ đạo của nó.

Tổng thống Zelensky đáp lại

Tổng thống Ukraine Zelensky chỉ trích ông Putin khi lãnh đạo Nga nói muốn dùng Kiev làm nơi thách đấu công nghệ với phương Tây bằng tên lửa Oreshnik.

"Các bạn có thấy chúng tôi đang phải đối đầu với ai không? Người đứng đầu Điện Kremlin hôm nay nói Nga đang đề nghị một cuộc đấu tay đôi về công nghệ", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại cuộc họp báo hôm 19/12 tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Ông Zelensky đề cập phát biểu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trước đó cùng ngày tại buổi họp báo cuối năm, trong đó ông chủ Điện Kremlin đề xuất Mỹ, đồng minh cùng Ukraine tập hợp lưới phòng không ở Kiev và tìm cách chặn tên lửa Oreshnik do Nga phóng.

Tổng thống Putin cho biết đây là cuộc thử nghiệm nhằm hóa giải hoài nghi về tên lửa Oreshnik của nhiều chuyên gia phương Tây, những người cho rằng loại đạn này dễ đối phó. "Không có cách nào dễ dàng để đánh chặn Oreshnik. Toàn bộ đầu đạn có thể được phóng ra chỉ trong vài giây", ông cho hay.

Tổng thống Zelensky cho biết ông bị sốc trước tuyên bố của Tổng thống Putin, khẳng định việc hai siêu cường trực tiếp thử nghiệm vũ khí của nhau theo cách như vậy là điều "điên rồ".

Phương Tây lạc hậu

Tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik của Nga đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát quân sự trên toàn thế giới sau khi nó được bắn vào một doanh nghiệp quốc phòng lớn ở Dnepropetrovsk của Ukraine.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Anh chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Lầu Năm Góc, nói rằng phương Tây đang phủ nhận tên lửa Oreshnik của Nga mà các hệ thống phòng thủ không có khả năng chống lại.

Ông chỉ ra rằng tên lửa Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn thông thường và có thể cả hạt nhân của Nga đã bỏ xa Mỹ.

"Mỹ không những không có hệ thống tấn công siêu thanh mà thậm chí còn không có hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn Oreshnik và các loại tên lửa mới sắp ra mắt", nhà phân tích kỳ cựu này khẳng định.

Maloof cho biết, trong khi Mỹ đang cố gắng trở thành người tiên phong trong các hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy, thì trên thực tế, họ có xu hướng trang bị đầy đủ mọi thứ cho một hệ thống, định giá quá cao rồi tụt hậu.

Washington không muốn thừa nhận rằng cả Nga và Trung Quốc đều có hệ thống vũ khí mà Mỹ không có vào thời điểm hiện tại, cụ thể là tên lửa siêu thanh.

Chuyên gia này suy đoán rằng nếu Mỹ vẫn tham gia Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, một tên lửa như Oreshnik có thể không tồn tại như ngày nay.

Ông nhận xét rằng việc Nga thể hiện rõ ràng khả năng vô song của tên lửa này là "một cách khác để ông Putin nói với ông Trump rằng có lẽ nên xem xét lại".

"Tôi nghĩ rằng để giảm ngưỡng chiến tranh và đây sẽ là một khởi đầu tốt và, ít nhất, bắt đầu với Mỹ và Nga. Và các quốc gia khác có thể làm theo", Maloof nói, đồng thời cho biết thêm:

"Đây là vấn đề mà thế giới thực sự cần tập trung, thừa nhận và giải quyết một cách mang tính xây dựng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.