Khu phi quân sự do người Kurd đề xuất ở Bắc Syria có khả thi?

GD&TĐ - Mazloum Abdi, thủ lĩnh của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd thống trị, đã đề xuất thành lập một "khu phi quân sự" tại Kobani.

Một phụ nữ người Kurd đứng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Một phụ nữ người Kurd đứng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Khó khả thi

Khu vực phi quân sự được đề xuất là một thị trấn trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và được đặt dưới sự giám sát của Mỹ. Nhưng liệu kế hoạch này có khả thi không?

"Người Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng lãnh thổ riêng ở Syria, vì vậy tôi không nghĩ rằng họ sẽ hoan nghênh hoặc chấp thuận một kế hoạch như vậy", nhà phân tích chính trị và an ninh Ali Rizk nói với RIA.

Đề xuất của ông Abdi được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn được đàm phán vào tuần trước giữa SDF và Quân đội Quốc gia Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết lệnh ngừng bắn tại thị trấn Manbij, miền bắc Syria đã được gia hạn vào hôm 17 cho đến cuối tuần.

Số phận của Kobani, một khu vực có đa số người Kurd, đang bị đe dọa khi SDF chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã ám chỉ vào ngày 13 tháng 12 rằng mục tiêu chiến lược của Ankara là tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd.

"Họ vẫn coi SDF là một tổ chức khủng bố", chuyên gia Rizk giải thích.

Tính khả thi của khu phi quân sự phần lớn phụ thuộc vào chính quyền Mỹ sắp tới. Nếu ông Donald Trump quyết định giữ quân đội Mỹ trên bộ ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể buộc phải chấp nhận kế hoạch của người Kurd, theo Rizk.

Nhưng cũng có khả năng ông Trump sẽ lựa chọn rút quân. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, việc rút quân đã bị trì hoãn để duy trì quyền kiểm soát dầu mỏ Syria ở các khu vực do người Kurd nắm giữ, nơi có ít nhất chín căn cứ quân sự của Mỹ được triển khai kể từ năm 2015.

Tương lai người Kurd Syria

Theo Andrea Glioti, một chuyên gia về các vấn đề Syria và người Kurd, người đã chia sẻ những hiểu biết về nguyện vọng của các đảng phái lớn trong khu vực, tương lai của người Kurd ở Syria và lực lượng dân quân của họ vẫn chưa chắc chắn.

Hy vọng tự chủ

Theo Glioti, người Kurd, nhóm dân tộc thiểu số không phải người Ả Rập lớn nhất ở Syria, đấu tranh giành quyền tự chủ tương tự như người Kurd ở Iraq.

Glioti cho rằng một khu vực tự trị sẽ có các bộ riêng, ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, trong khi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Damascus.

Theo chuyên gia này, bước đầu tiên hướng tới quyền tự chủ này bao gồm việc công nhận bản sắc người Kurd và các quyền văn hóa.

Chính phủ chuyển tiếp Syria

Lãnh đạo HTS Abu Mohammed al-Golani, hiện đang sử dụng tên khai sinh là Ahmed al-Sharaa và đóng vai trò chủ chốt trong chính phủ chuyển tiếp mới của Syria, nhấn mạnh rằng "Syria phải duy trì sự thống nhất".

Mặc dù ông al-Sharaa đã tuyên bố rằng người Kurd là "một phần của quê hương" và sẽ "không phải đối mặt với bất công", nhưng chuyên gia Glioti cho biết vẫn chưa chắc chắn liệu chính phủ chuyển tiếp Syria có chấp nhận quyền tự trị của người Kurd hay không.

Xung đột của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd Syria

Ankara phản đối sự hiện diện của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là khủng bố cùng với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Học giả Glioti giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi chính quyền do người Kurd lãnh đạo ở đông bắc Syria là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình do có quan hệ với phong trào ly khai PKK.

Theo chuyên gia này, xét đến ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thời hậu Assad, các chính trị gia người Kurd khó có thể được đưa vào chính phủ chuyển tiếp mới ở Syria.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ