Hợp tác Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Blinken nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm rằng "có một thỏa thuận chung" về vấn đề này.
Mehmet Rakipoglu, giám đốc Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mokha, cho Sputnik biết rằng các mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cho thấy sự hợp tác hạn chế với Mỹ khi học giả này bình luận về tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Antony Blinken về "sự đồng thuận ngày càng tăng" về Syria giữa Washington và Ankara.
"Không giống như các bên khác ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những thành tựu đáng kể và đang ở vị thế đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi chính trị và xã hội của quốc gia Ả Rập này.
Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể chia sẻ những thành tựu này với Mỹ trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn", ông Rakipoglu cho biết.
Theo nhà phân tích, trong khi cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều "chia sẻ lợi ích" trong sự sụp đổ của chính quyền Assad, thì "cách tiếp cận khác nhau của họ đối với các tác nhân chủ chốt, chẳng hạn như PYD (một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd - PKK tại Syria), tạo ra những rào cản đáng kể cho sự liên kết sâu sắc hơn".
Mặt khác, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump "có thể cởi mở với các cuộc đàm phán và quan hệ đối tác hạn chế phù hợp với mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách tiếp cận thực dụng này có thể mở đường cho sự hợp tác song phương có chọn lọc", Rakipoglu nói thêm.
Về mục tiêu chung của hai bên là chống lại nhóm khủng bố IS, chuyên gia này kết luận rằng vì sự hiện diện của IS tại Syria "đã giảm đi rất nhiều nên khả năng hợp tác như vậy sẽ không sớm xảy ra".
Lợi ích
Cuộc nội chiến Syria kéo dài 13 năm, lên đến đỉnh điểm với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và nguy cơ Syria tiếp tục bị chia cắt, có ý nghĩa quan trọng đối với cả các bên liên quan trên toàn cầu và khu vực.
Sau đây là cái nhìn về lợi ích chiến lược của các bên liên quan chính:
Mỹ: Washington coi sự chia cắt của Syria là một cách để làm suy yếu Iran, quốc gia cùng với Hezbollah ở Lebanon, lực lượng dân quân Shiite ở Iraq và lực lượng Houthi ở Yemen tạo thành Trục kháng chiến chống lại Israel do Mỹ hậu thuẫn.
Làm suy yếu Trục này sẽ đảm bảo an ninh lớn hơn cho đồng minh của Washington là Israel.
Một báo cáo giải mật năm 2012 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng tiết lộ rằng Mỹ đã lên kế hoạch hỗ trợ việc thành lập một công quốc Sunni Salafi ở Syria để cô lập các vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát được coi là "chiều sâu chiến lược của sự bành trướng của người Shia" đối với Iran và lực lượng dân quân Shia Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara muốn duy trì quyền kiểm soát miền bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn, bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, hiện đang hoạt động.
Sự chia cắt của Syria gây ra mối đe dọa cho Thổ Nhĩ Kỳ do khát vọng của người Kurd về một quốc gia độc lập, đe dọa đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ankara. Khoảng 30 triệu người Kurd sống ở các vùng núi của Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Quốc gia Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn gần đây đã trục xuất YPG khỏi Tal Rifaat (phía bắc Aleppo), cắt đứt một tuyến đường quan trọng giữa Raqqa và Aleppo, và bao vây thành phố Manbij từ ba phía.
Ngoài Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hưởng lợi không hề nhỏ nếu Syria bị chia cắt chính là Israel.
Về mặt kỹ thuật, Israel đã có chiến tranh với Syria từ năm 1948, Israel coi sự sụp đổ của Syria là xóa bỏ một kẻ thù lâu đời.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã nhắm vào các kho vũ khí và cơ sở quân sự của Syria để loại bỏ tiềm năng chiến tranh của nước này. Syria cũng là một mắt xích quan trọng để Iran cung cấp cho Hezbollah ở Lebanon.
Sự tan rã của Syria có lợi cho Israel bằng cách làm suy yếu Trục kháng chiến và giảm áp lực bên ngoài đối với các chính sách của nước này liên quan đến lãnh thổ Palestine.
Ngoài ra, sự chia cắt của Syria đã tạo điều kiện cho Israel củng cố quyền kiểm soát Cao nguyên Golan, vô hiệu hóa thỏa thuận ngừng bắn năm 1974 và mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm giữ các khu vực Golan do Syria kiểm soát.