Giáo dục lịch sử qua di tích

GD&TĐ - Giáo dục lịch sử qua di tích giúp học sinh nhớ về nguồn cội, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc...

Cô trò Trường Tiểu học Thăng Long tìm hiểu lịch sử truyền thống. Ảnh: Lan Anh
Cô trò Trường Tiểu học Thăng Long tìm hiểu lịch sử truyền thống. Ảnh: Lan Anh

Mở rộng địa chỉ đỏ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành GD-ĐT Hà Nội, tháng 11/2024, quận Hoàn Kiếm khánh thành không gian văn hóa lịch sử “Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố” tại số 47 phố Hàng Quạt. Đây là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục lòng yêu nước, giúp các em có cái nhìn chân thực, sâu sắc về phong trào Bình dân học vụ.

Về ý nghĩa của công trình này, bà Trịnh Ngọc Trâm - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Từ khi nước nhà mới giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc diệt giặc dốt, cùng với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm. Người đã phát động phong trào Bình dân học vụ, hiệu triệu đồng bào tham gia chống nạn mù chữ.

Hưởng ứng phong trào đó, trí thức Hà Nội tích cực mở các lớp Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa tại ngôi biệt thự 59 phố Hàng Đàn (nay là số 47 phố Hàng Quạt, trụ sở Trung tâm GDNN – GDTX Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm) để dạy chữ cho nhân dân Thủ đô. Địa điểm này vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và động viên.

Hơn 100 năm qua, ngôi biệt thự cổ ở 47 phố Hàng Quạt đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô qua các giai đoạn lịch sử, từng là nơi diễn ra cuộc họp để chuẩn bị cho ngày ra mắt Chính phủ lâm thời, ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố với thế giới quyền độc lập, tự chủ.

Nơi đây, cũng ghi dấu hoạt động của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (thành lập ngày 25/5/1938) để những dòng chữ Quốc ngữ của người Việt được lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc và cũng là chiếc nôi của Hội quốc tế ngữ Esperanto trong những năm đầu thế kỷ XX.

Được sự quan tâm của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố được cải tạo, sửa chữa, bảo tồn. Không gian 47 phố Hàng Quạt khi được đưa vào sử dụng sẽ là địa chỉ văn hóa lịch sử có ý nghĩa lớn, góp phần giáo dục, giúp các em thêm hiểu biết, trân trọng chữ Quốc ngữ.

Nguyễn Khánh An - học viên lớp 10A1 Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố bày tỏ tự hào khi được học tập ở ngôi trường có truyền thống lịch sử cách mạng. Tại đây có nhiều kiến thức lịch sử mới mẻ lần đầu tiên em được tiếp cận, trong đó đặc biệt là công lao của cụ Nguyễn Văn Tố trong quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ đến với người dân.

giao-duc-lich-su-qua-di-tich-2.jpg
Không gian văn hóa lịch sử “Hội Truyền bá chữ quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố” tại số 47 phố Hàng Quạt. Ảnh: Vân Anh

Hun đúc truyền thống cách mạng

Cũng nằm trên khu phố cổ tại Hà Nội, Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) là nơi gắn liền với thời gian dạy học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai đoạn 1936 - 1939. Những bài giảng về lịch sử dân tộc và các nước đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học trò.

Cô Nguyễn Thị Bình Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long chia sẻ: Trường Tiểu học Thăng Long - ngôi trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhiều năm làm thầy giáo dạy Sử là di tích đặc biệt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm ngôi trường này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng 8 lần về trường.

Hiện, gia đình Đại tướng vẫn gắn bó chặt chẽ với Trường Tiểu học Thăng Long. Năm nào phu nhân Đại tướng cũng gửi sách tặng học sinh. Trong trường, còn có một tủ sách đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều vô cùng thú vị là các cháu nội của thầy Võ Nguyên Giáp cũng theo học tại đây.

Để xứng đáng với người thầy vĩ đại của mình, trường có nhiều giáo viên, học sinh giỏi, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Trường được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhà trường cũng tích cực có nhiều hoạt động giáo dục toàn diện, giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Thăng Long, giáo dục lịch sử địa phương được quan tâm và có nhiều phương pháp để truyền đạt cho học sinh. Không chỉ gói gọn qua các bài học lịch sử, địa lý, giáo dục truyền thống còn trở nên hấp dẫn qua nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.

Không khô cứng như những bài học trên lớp, không khó tưởng tượng về một nhân vật lịch sử, sự kiện hay thời kỳ đã xa, những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng huyền thoại của thế kỷ XX trở nên thật gần gũi, dễ nhớ và xúc động đối với học sinh Trường Tiểu học Thăng Long.

Phạm Bình Minh - học sinh lớp 4E chia sẻ: Thông qua các hoạt động thảo luận nhóm trong tiết học giáo dục lịch sử địa phương, chúng em được biết thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc. Em tự hào khi được sinh ra ở Hà Nội, đặc biệt học dưới mái trường Thăng Long. Em hứa sẽ trở thành con ngoan trò giỏi, học tốt và trở thành người có ích cho đất nước.

Chia sẻ của cô Trần Thị Thu Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long: Giáo dục lịch sử địa phương đã được nhà trường lên kế hoạch cụ thể trong kế hoạch giáo dục. Bằng những hoạt động cụ thể, nhà trường muốn các em tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc, tự hào và thêm yêu đất nước, quê hương.

Bám sát sự kiện văn hóa - lịch sử để tổ chức chương trình ngoại khóa là cách giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh hiệu quả nhất, hình thành và phát triển ở các em sự hứng thú tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương. Đặc biệt, giáo dục địa phương thông qua các nhân vật lịch sử còn giúp học sinh nhớ về nguồn cội, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc một cách sinh động, chân thực nhất.

Trường Tiểu học Thăng Long còn tự hào là “địa chỉ đỏ” khi được UBND thành phố gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến. Địa chỉ đỏ tại số 20 Ngõ Trạm cũng được “số hóa” để giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Khi truy cập ứng dụng, người xem được tham quan khu di tích, nghe thuyết minh về lịch sử hào hùng của ngôi trường Thăng Long giàu truyền thống.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố tại 47 Hàng Quạt là công trình kiến trúc tiêu biểu được quận đầu tư cải tạo, sửa chữa. Trong thời gian tới, quận tiếp tục quan tâm khôi phục các không gian văn hóa, nhất là trường học mang nhiều giá trị truyền thống, lịch sử và văn hóa trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ