Để nhà giáo toàn tâm, toàn ý
- Vấn đề chính sách tiền lương và phụ cấp nhà giáo đã được nhắc đến từ lâu và cho đến nay vẫn còn tính thời sự. Theo ông, các chính sách như hiện nay đã phù hợp và tương xứng với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo?
- Chế độ tiền lương nhà giáo ở các trường công lập đang được thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo được hưởng lương như viên chức trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp khác, được tính theo hệ số lương. Tại thời điểm hiện nay, mức lương của GV phổ thông từ khoảng 2,7 triệu đồng (bậc khởi điểm của GV tiểu học) đến mức cao nhất là khoảng 9,5 triệu đồng (bậc cao nhất của GV trung học cao cấp).
Ngoài tiền lương, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT- BGD&ĐT-BNV-BTC với tỷ lệ từ 25 - 50% tổng số tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp thâm niên vượt khung; được hưởng phụ cấp thâm niên nếu có thời gian giảng dạy, hoạt động giáo dục từ đủ 5 năm, mức khởi điểm là 5%, sau đó mỗi năm công tác được tính thêm 1% trên tổng số mức lương hiện hưởng, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Đối với GV công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 116/2010/NĐ-CP).
Giảng viên ở các trường đại học ngoài việc hưởng lương theo ngạch bậc, tùy theo mức độ tự chủ của các nhà trường, có thể có thêm thu nhập khác từ kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Có thể nói, so với mặt bằng chung của viên chức thuộc khối hành chính - sự nghiệp, mức tiền lương và phụ cấp của GV là cao hơn (trừ một số đơn vị đặc thù như lực lượng vũ trang, nhân viên hải quan). Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, có những trường hợp, nhất là GV mầm non, GV ký hợp đồng lao động với nhà trường, với UBND huyện có mức lương dưới mức lương tối thiểu. Đó là điều cần phải được quan tâm để xây dựng chính sách tiền lương mới khi Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI): “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
- Trước đó cũng có nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xung quanh vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua trong Kỳ họp thứ 8 còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lựa chọn phương án tối ưu nhằm đạt được sự hài hòa, phù hợp với quy mô, chất lượng dân số và trình độ lao động cũng như các vấn đề xã hội khác. Phương án dự kiến trình Quốc hội là tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, với nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng lên 60 tuổi.
Đội ngũ nhà giáo cũng là một trong những đối tượng điều chỉnh của việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. Qua tìm hiểu đặc thù lao động, tâm tư tình cảm của đội ngũ nhà giáo, tôi cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, lộ trình thực hiện cần thiết kế linh hoạt, phù hợp với tính đặc thù “tuổi nghề”. Cụ thể: Đối với các nhà giáo đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là phù hợp, tranh thủ được kinh nghiệm của đội ngũ này trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội ngũ.
Đối với GV giáo dục phổ thông, cần quan tâm tới đặc thù tuổi nghề của GV mầm non. Với các cô giáo mầm non ở độ tuổi 50 đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy các cháu múa, hát… Cũng có ý kiến đề nghị, ở độ tuổi đó chuyển các cô sang làm công việc khác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu; nhưng với tình hình biên chế như hiện nay, đề xuất đó là không khả thi. Bên cạnh đó, GV thường mắc rất nhiều bệnh nghề nghiệp về cơ - xương - khớp, họng, thanh quản, phổi, giãn tĩnh mạch (do phải đứng nhiều), mắt… nên theo tôi tuổi làm việc của nữ GV phổ thông chỉ nên tăng đến 58 tuổi.
Cô giáo Lý Hà Xó trong Chương trình “Thay lời tri ân” 2018 |
Chính sách cần được xây dựng từ thực tiễn
- Chính sách cần được xây dựng từ thực tiễn, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn nhất trí về nhận định này. Thực tế cho thấy, chúng ta có rất nhiều chính sách nhưng cũng nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống hoặc còn chậm, thiếu tính khả thi. Điều đó thể hiện rõ sự thiếu thực tiễn của những người thiết kế, xây dựng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách với đội ngũ nhà giáo (tuổi nghỉ hưu, tiền lương, phụ cấp…) cần lắng nghe ý kiến từ đội ngũ này, có những nghiên cứu một cách bài bản với những luận cứ khoa học chặt chẽ để chính sách đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhà giáo, góp phần tạo thêm động lực để nhà giáo sáng tạo, đổi mới, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
- Với tư cách là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, ông có kiến nghị đề xuất gì trong việc xây dựng chính sách tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của đội ngũ GV?
- Việc xây dựng chính sách về tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của nhà giáo chắc chắn sẽ được Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để trình Quốc hội, Chính phủ quyết định. Với trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, tôi có một số kiến nghị sau: Thứ nhất về tiền lương. Tại Điều 76 của Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của GV: “GV được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Tôi mong muốn tiền lương của đội ngũ nhà giáo sẽ được cải thiện một cách đáng kể; bảo đảm cho nhà giáo có cuộc sống ở mức khá so với mặt bằng chung của xã hội; giúp nhà giáo yên tâm công tác, yên tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người thầy, tiến tới hội nhập thế giới, xóa khoảng cách thu nhập GV trong nước so với khu vực và thế giới. Mặt khác, tạo động lực để thu hút người tài, sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ GV - đội ngũ có tính chất quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
Thứ hai về tuổi nghỉ hưu. Cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố nghề nghiệp, đặc điểm giới; bảo đảm cho nhà giáo có đủ sức khỏe để công tác, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giảng dạy. Đối với GV mầm non, GV giáo dục thể chất… cần có chế độ nghỉ hưu linh hoạt, có thể được nghỉ hưu sớm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định mới.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Vũ Minh Đức