Cấp thiết cải thiện chế độ tiền lương cho nhà giáo

GD&TĐ - Bàn về chính sách lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo không phải là câu chuyện mới, nhưng chưa bao giờ hết “nóng”.

Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là hoàn toàn chính đáng với vai trò của một nghề đặc thù trong xã hội
Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là hoàn toàn chính đáng với vai trò của một nghề đặc thù trong xã hội

Nhiều ý kiến khác nhau đã được nêu ra xung quanh đề xuất tăng lương cho giáo viên (GV). Mới đây, góp ý cho Dự thảo Luật GD sửa đổi, GS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang. Lý lẽ GS Trần Hồng Quân đưa ra là vì giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu.

Có một thực tế đang xảy ra là rất nhiều người giỏi nhưng ra nước ngoài học tập, làm việc mà không trở về Việt Nam để cống hiến. Một trong những lý do “chảy máu chất xám” chính là lương, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc không đủ khích lệ người giỏi phát triển.

Các GV lao động vất vả. Không chỉ dạy học ở trường, mà hết giờ dạy, đến tối về nhà GV lại tiếp tục lao động với các công việc tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, soạn giáo án, công tác chủ nhiệm, chấm bài… Tăng lương cho GV chính là khiến GV nhận được đúng sức lực và thời gian thực tế phải bỏ ra cho công việc.

Cải thiện chế độ tiền lương cho GV là mong mỏi của các nhà giáo, là phù hợp với tinh thần Nghi quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, không ai khác, chính đội ngũ nhà giáo là “nhân vật chính” phải “đứng mũi chịu sào”. Nhà giáo muốn tâm huyết với đổi mới giáo dục, phát huy hết năng lực cho đổi mới… nhưng mỗi ngày đến trường, đứng trên bục giảng, nhà giáo vẫn không an lòng, vẫn đau đáu với cơm áo gạo tiền, vẫn nhẩm tính chi tiêu căn cơ đồng lương sao cho đủ sống. Với đồng lương và chế độ đãi ngộ nghề không đủ khích lệ, các nhà giáo sẽ khó phát huy hết khả năng sáng tạo trong giảng dạy.

Nếu đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn cho nghề giáo. Từ đó sẽ có được sự sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành sư phạm. Ngược lại, khi hưởng lương và đãi ngộ cao, nhà giáo buộc phải đạt được những tiêu chí cao hơn, phải luôn nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất…

GS Trần Hồng Quân cho rằng viển vông khi chỉ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý, mà cần phải có thái độ của xã hội, cụ thể là phải có sự đãi ngộ đúng mức.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, với khả năng có hạn của ngân sách Nhà nước, sẽ nảy sinh khó khăn cho chính sách lương và đãi ngộ đối với nhà nhà giáo. Chính vì vậy, các cấp các ngành hữu quan, các chuyên gia đã và đang đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ vấn đề này. Một trong những giải pháp được nhắc đến trong việc tăng thu nhập cho GV chính là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với những chế tài cụ thể và thiết thực.

Cải thiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, giúp tăng thu nhập cho nhà giáo chính là thúc đẩy giáo dục phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.