Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cả buổi chiều để nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung này. Tham dự phiên làm việc còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ; Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Nghiêm túc và cầu thị
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ: Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân ở Trung ương và địa phương.
Đối tượng được tập trung lấy ý kiến còn bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục; các cơ sở GD, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, luật sư, luật gia, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng nguồn nhân lực là sản phẩm của ngành GD. Báo cáo Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy, đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng (đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Về vấn đề thừa thiếu giáo viên, thực tế ngành GD đang rất lo nhưng quyết định việc này đâu phải của ngành Giáo dục. Ngành GD có nhu cầu nhưng biên chế con người lại là ngành Nội vụ. Vì thế nếu trách ngành GD là oan.
Đánh giá về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận: Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi). Thường trực Ủy ban (TTUB) nhận thấy, các ý kiến góp ý của nhân dân được tổng hợp trong báo cáo về cơ bản đã đề cập tới hầu hết các nội dung cần sửa đổi trong Luật GD. Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số các đối tượng chịu sự tác động (đội ngũ nhà giáo, gia đình người học), kết quả tổng hợp, tiếp thu cho thấy sự đồng thuận cao giữa ý kiến nhân dân với quan điểm trình của Chính phủ.
TTUB cũng cơ bản tán thành các nội dung, quan điểm của Chính phủ về việc tập hợp, giải trình ý kiến của nhân dân theo 11 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến và xác định 9 nhóm vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như đã nêu trong Báo cáo. TTUB cho rằng, các nhóm vấn đề được đặt ra và giải quyết đã cơ bản hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về GD...
|
Tuyển dụng giáo viên nên theo cách như quân đội
Tại phiên họp, 2 nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, cho ý kiến nhiều nhất là: Chính sách tiền lương nhà giáo và phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Cho ý kiến cụ thể về vấn đề tiền lương, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi, về chính sách tiền lương nhà giáo, theo Nghị quyết 27 – NQ/TW thì không ưu tiên cho nhà giáo có thang bảng lương riêng nhưng có quy định về chính sách ưu đãi phù hợp. Vì thế nếu xác định lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù thì chúng ta có thể vận dụng từ “phù hợp” để có mức ưu tiên cho nhà giáo. Tinh thần là tạo cho nhà giáo có mức lương để xứng đáng với đặc thù nghề nghiệp.
Cho rằng, nếu giáo viên là ngành đặc thù và đặc biệt quan trọng thì nên có ưu tiên, có thể ưu tiên ngang với lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến: Ngành GD cần nghiên cứu về quy hoạch tuyển giáo viên và sử dụng giáo viên. Việc tuyển dụng giáo viên nên tuyển theo cách như của quân đội là tốt nhất. Sinh viên sư phạm ra trường là xếp việc, không phải thi công chức, viên chức. Và chúng ta phải đào tạo theo chỉ tiêu, có chỉ tiêu rõ ràng và thi tuyển nghiêm túc vào trường sư phạm. Sau khi ra trường sinh viên sẽ được phân công công việc ngay. Tuy nhiên, phải có sự ràng buộc đó là, phân công về địa phương nào thì họ phải nghiêm túc thực hiện.
Nhà giáo phải có ưu đãi
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi thêm vào 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất về hệ thống: Ngay sau khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã ban hành Khung hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ 8 bậc theo hướng quốc tế. Luật lần này đã bám sát vào các khung này và được xây dựng theo đúng thẩm quyền, thiết kế. Liên quan đến quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết, hiện có các quy định về quy hoạch đại học, dạy nghề, còn quy hoạch giáo dục địa phương vẫn có thể xử lý được.
Thứ 2 là về đầu tư. Theo Phó Thủ tướng, phần lớn ngân sách chi cho GD là chi cho lương. Có những nơi trên 80% là chi cho lương. Vì thế, Chính phủ cơ bản thống nhất như trong dự thảo Luật. Về đầu tư của các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần chung là khuyến khích nhưng dù thành phần nào vẫn phải quản lý thống nhất về mặt Nhà nước.
Thứ 3, về người học, trong đó có quy định về học phí. Phó Thủ tướng nói rõ: Chỉ hỗ trợ cho trường ngoài công lập (mức hỗ trợ tối đa bằng trường công) với điều kiện là: Ở khu vực đó không có trường công để đảm bảo đủ điều kiện cho người học.
Thứ 4, về chuẩn giáo viên, trong đó có nội dung về lương giáo viên, Phó Thủ tướng trao đổi: Một trong những điểm cần tháo gỡ lần này là làm sao cho lương khởi điểm ban đầu của giáo viên tăng lên. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ trình phương án sao cho có sự hài hòa trong chuyện bố trí về mức độ phụ cấp cho giáo viên.
Thứ 5, về quản lý Nhà nước; Phó Thủ tướng khẳng định: Vừa qua, chúng ta điều chuyển quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trừ các trường sư phạm). Trong ít nhất 1 - 2 nhiệm kỳ tới, Chính phủ chưa có định hướng thay đổi sự phân công này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất ý kiến của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là: Không có điều nào, chương nào quy định riêng về triết lý GD.
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành ý kiến của Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của nhân dân về nội dung phân luồng, liên thông, đồng thời đề nghị, trong dự thảo Luật quan tâm đến hình thức học. VD: Học sinh học nghề, cần bổ túc thêm văn hóa thì được học văn hóa tại trường nghề đó. Còn về đầu tư cho GD là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên nên quy định tối thiểu 20% chi ngân sách cho GD, không nên quy định tối đa.
Chủ tịch Quốc hội cũng cơ bản nhất trí cần nâng lên trình độ giáo viên mầm non lên cao đẳng và quy định chính sách cử tuyển như Báo cáo của Chính phủ. Đồng tình với quan điểm: Nhà giáo phải có ưu đãi để thu hút người giỏi nhưng không nên có bảng lương riêng cho lương nhà giáo. Trong quá trình xây dựng lương sẽ tính đến việc ưu đãi như thế nào cho đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, cũng không nên có chế độ tuyển dụng riêng cho ngành nào, trong đó có giáo dục. Chúng ta có thể điều hòa tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.
Về vấn đề sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước hết nên có bộ sách thống nhất dùng chung nhưng vẫn có lộ trình hướng tới xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa. Đối với chính sách không thu học phí, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến: Quan điểm là đã phổ cập rồi thì miễn học phí. Tuy nhiên cần nghiên cứu tác động nếu chúng ta đặt vấn đề miễn học phí cho trường ngoài công lập vì mở rộng đối tượng thì sẽ tác động đến ngân sách 20% chi cho GD.