Lớp học miễn phí
Anh Hoàng sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng cha mẹ vẫn cho ăn học đàng hoàng. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp xong THPT, vì gia đình không có điều kiện nên anh gác lại ước mơ vào đại học. Sau đó, anh vào tỉnh Đồng Nai làm công nhân, vừa lo cho cuộc sống của mình vừa gửi tiền về phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học. Một năm sau, cô em gái Huỳnh Thị Mỹ Toàn thi đỗ vào Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Anh Hoàng tự nhận nhiệm vụ lo cho em gái ăn học, đỡ đần gánh nặng cho bố mẹ.
Thời gian trôi qua, cô em gái ra trường và có công việc ổn định ở tỉnh Đồng Nai cho đến bây giờ. Lo xong việc cho em, anh nghĩ đến sự thiếu thốn, nghèo khó của người dân quê hương mình nên nung nấu ý định về quê mở lớp dạy học miễn phí cho học trò nơi đây. Tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo”, phải có một công việc ổn định để tự lo cho mình rồi mới có thể lo cho người khác.
Nghĩ là làm, anh tự đi mua bộ đồ nghề cắt tóc, rồi cắt miễn phí cho công nhân nơi mình thuê trọ. Không học qua khóa đào tạo nào, chỉ tay ngang nhưng thử cắt cho hơn 10 công nhân thì ai cũng bảo anh có duyên với nghề. Bởi anh cắt vừa kỹ vừa đẹp. Vậy là anh mạnh dạn mở một tiệm cắt tóc nhỏ ở đây để mưu sinh.
Đầu năm 2014, anh Hoàng trở về quê hương mở tiệm cắt tóc tại nhà. Anh dành căn phòng kế bên mở thư viện sách để “lôi kéo” học sinh đến đọc. Từ đây, anh đã “chiêu mộ” được học trò và ban đêm mở lớp dạy học miễn phí tại thư viện nhỏ này. Anh dạy các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, tiếng Trung cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Mỗi đêm anh chia ra 4 ca, bắt đầu từ 17h và kết thúc lúc 21h.
“Thời gian đầu ít học trò, nhưng về sau các em đến học càng ngày càng đông. Căn phòng chỉ chứa tối đa 20 em nhưng có lớp gần 40 em, có em phải ngồi ở ngoài hiên để học. Nhà lại ở trong hẻm nhỏ nên các em cũng không có chỗ để xe. Cuối năm 2015, số lượng học sinh theo học lên gần 200 em ở khắp các xã, thị trấn trong huyện. Lúc này, không gian cho các em ngồi học là bài toán khó đối với tôi”, anh Hoàng kể.
Suy nghĩ mãi, anh Hoàng đến gặp trưởng thôn Tiên Châu là ông Đoàn Văn Trực bày tỏ nguyện vọng muốn mượn nhà văn hóa thôn mới xây khang trang để làm chỗ dạy học cho các em. Ngay ngày hôm sau, Ban nhân dân thôn Tiên Châu tổ chức họp thôn và được bà con đồng ý cho anh mượn nhà văn hóa thôn để dạy học. Vậy là từ cuối năm 2015, anh cùng với những người thân của mình đi mua gỗ, sắt rồi về tự đóng, hàn hơn 20 chiếc bàn lớn cùng với một số ít bàn ghế có tại nhà văn hóa thôn để chuyển lớp học của mình đến đây.
Cũng từ đó, học sinh theo học ngày càng nhiều, mỗi ngày có trên 300 em. Bây giờ, có những ca dạy, học sinh lên đến trên 100 em nên anh phải giảng bằng micro qua hệ thống loa âm thanh. Ngoài 4 ca học buổi tối như trước, anh còn mở thêm 2 ca buổi sáng, bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 9h, sau đó mới về nhà với công việc cắt tóc.
Ngoài dạy kiến thức văn hóa, anh Hoàng còn dành thời gian dạy kỹ năng sống, dạy cách học làm người; đồng thời chia sẻ những câu châm ngôn, những câu chuyện hay qua từng buổi học cho học trò.
Để khuyến khích các em tiến bộ hơn, hàng ngày anh Hoàng trích một phần thu nhập từ nghề cắt tóc để mua bút, vở thưởng cho những học trò nỗ lực học tập. Nhiều học sinh từ lớp học của anh Hoàng đã đạt được những thành tích cao trong học tập.
Lớp học miễn phí của anh Hoàng ở nhà văn hóa thôn Tiên Châu |
“Ông bụt” của làng quê
Sau khi chuyển lớp học ra nhà văn hóa thôn Tiên Châu, số sách trong thư viện thu nhỏ tại nhà anh Hoàng cũng chia làm hai. Những sách về Phật giáo, dạy kỹ năng sống được anh giữ lại thư viện này. Những sách giáo khoa, sách phục vụ cho việc học của các em, anh chuyển ra nhà văn hóa thôn và thành lập tại đây một thư viện riêng. Sách ở hai thư viện này ngày một nhiều, một phần anh tự bỏ tiền túi ra mua, một phần được bạn bè, người quen gửi tặng.
“Đọc sách như gương soi cho nhiều người nhìn lại mình, thay đổi tâm tính để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Mỗi ngày, thư viện sách tại nhà tôi luôn có nhiều bà con đến mượn đọc. Tôi cũng mua máy photocopy để sẵn, bà con nào muốn đem về đọc thì tôi photo tặng miễn phí.
Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị rất nhiều băng đĩa tư vấn kỹ năng sống, thông điệp cuộc sống, bà con và các em cần đều được tặng miễn phí. Còn thư viện tại nhà văn hóa thôn, từ khối lớp 6 đến lớp 12, khối nào cũng đầy đủ sách ở tất cả các môn tự nhiên lẫn xã hội. Nhiều sách tham khảo bổ ích phục vụ cho việc học của các em”, anh Hoàng chia sẻ.
Tiệm cắt tóc của anh Hoàng, với tấm biển hiệu: “Kỹ và đẹp, miễn phí người nghèo” cũng là địa chỉ quen thuộc của người dân xã An Ninh Tây. Từ 9h đến 17h tiệm luôn đông khách, anh Hoàng và người em trai của mình làm không ngớt tay. Lý do đặc biệt là đến đây người nghèo được cắt tóc miễn phí. Ngoài ra, tất cả mọi người, từ già đến trẻ, ai thích xâu chuỗi đeo tay đều được tặng miễn phí.
“Nói cháu Hoàng là “ông bụt” của làng quê nơi đây quả không sai tí nào. Không chỉ dạy học, thành lập thư viện miễn phí, mà còn cắt tóc miễn phí cho người nghèo, rồi tặng quà nữa. Mà kinh tế gia đình cháu có khá giả gì đâu, cha mẹ đều làm nông, kiếm sống qua ngày. Lâu nay, cháu cũng chỉ dùng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình để đi lại, chứ không có xe máy. Cách đây mấy tháng, có đoàn từ thiện về tặng cháu chiếc xe đạp mới, nhưng nhìn học trò còn nghèo nên cháu cũng tặng lại cho học trò. Tấm lòng của cháu thật cao cả”, cụ Nguyễn Thị Kim (82 tuổi, ở thôn Tiên Châu) nói về anh Hoàng.