Nhiều người thường bảo nhau rằng, nơi nào có người nghèo, người khổ là nơi đó có thầy Mốt, chính vì thế mà mọi người thường hay ví ông như một “ông Bụt” giữa đời thường.
Sau thời gian cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy Mốt bắt đầu nghỉ hưu từ năm 2000 và bắt đầu lao vào làm nhiều việc từ thiện xã hội, hiện nay mặc dù đã bước sang tuổi 80, nhưng với công việc giúp đỡ người nghèo thì thầy Nguyễn Văn Mốt vẫn rất hăng say. Thời gian biểu trong ngày của thầy Mốt luôn đầy kín các công việc có liên quan đến giúp đỡ người nghèo.
Vừa quản lý, điều hành Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồi côi và bệnh nhân nghèo và nhà tình thương; vừa tham gia điều hành, quản lý bếp ăn khuyến học dành cho học sinh nghèo và người bán vé số, rồi tham gia hoạt động của Tổ Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, nhà hỏa táng từ thiện, lúc rảnh rỗi là đi vận động học bổng phát cho học sinh nghèo, phát quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, rồi vận động cất nhà tình thương cho gia đình nghèo... công việc nào thầy cũng dành hết tâm huyết thực hiện, bởi theo thầy Mốt nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì trong lòng cảm thấy day dứt không yên.
Thầy Nguyễn Văn Mốt tâm sự: “làm việc thiện mỗi ngày thì ngoài bản thân có niềm vui thì tôi tự nhủ rằng đây còn là sự giáo dục, động viên con cái và gia đình, mình sống không phải vì mình mà làm gương sáng cho con cháu, cho gia đình, cho xã hội. Tuổi tôi cũng đã lớn nhưng mình nghĩ ai cũng phải chết nhưng chết đi phải để lại cái gì đó có ích cho xã hội cho đời, mình nghĩ vậy mà mình làm hoài không biết mệt”.
Không chỉ tích cực tham gia hoạt động từ thiện khi mới về hưu mà “máu” từ thiện đã chảy trong người thầy khi còn rất trẻ, cách đây gần 26 năm, thầy Mốt chính là người đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện tại bệnh viện đa khoa Sa Đéc, hơn 26 năm qua không tắt lửa ngày nào, bếp ăn này đã phục vụ cơm, cháo, nước miễn phí cho hàng chục triệu lượt bệnh nhân, thân nhân.
Ngoài ra, thầy Mốt cũng là người đã có công khởi xướng và vận động thành lập các mô hình hoạt động vì người nghèo khác: từ việc chăm lo cho việc học hành của học sinh nghèo với mô hình “Bếp ăn khuyến học” cung cấp miễn phí bữa cơm trưa cho học sinh nghèo cho đến “Tủ sách khuyến học” để hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Rồi đến nhà tình thương, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, nhà hỏa táng từ thiện hay mô hình “Thọ từ thiện” để hỗ trợ quan tài miễn phí cho người nghèo khi có nhu cầu và vận động mua xe chuyển viện miễn phí cho người nghèo. Chu tất hơn, thầy còn vận động kinh phí để thực hiện mô hình “Xe tang từ thiện” vận chuyển miễn phí cho người nghèo khi có hữu sự.
Tuổi cao nhưng rất mê làm từ thiện, đó là nhận xét của nhiều người khi nói về thầy Mốt, điều minh chứng là thời gian gần đây, khi thấy những người bán vé số nghèo phải mưu sinh hàng ngày vất vả, thầy Mốt đã đứng ra vận động công ty xổ số kiến thiết Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí thành lập bếp ăn cho người bán vé số, đến nay hàng trăm người bán vé số ở Sa Đéc cảm thấy ấm lòng với bữa cơm trưa miễn phí tại đây.
Nhiều người không khỏi thán phục với nghĩa cử cao đẹp của thầy Mốt. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Hương ở khóm Tân Hòa- phường An Hòa- Tp Sa Đéc, hơn 30 năm mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhờ được hỗ trợ cơm trưa miễn phí mà ông cảm thấy ấm lòng và đỡ đi một phần chi phí cho gia đình.
Khi nhắc đến thầy Mốt, ông Hương không hết lời khen ngợi: “ Tôi ăn cơm miễn phí ở đây hơn 1 năm rồi, nhờ thầy Mốt mà những người nghèo, những người bán vé số tụi tôi có được bữa cơm ngon, miễn phí, ai cũng biết ơn thầy. Tôi năm nay cũng hơn 70 tuổi, thấy thầy Mốt tuổi cao mà còn nhiệt tình với công việc từ thiện, quan tâm đến người nghèo như vậy tôi rất là nễ phục và kính trọng thầy bởi vì mình nghĩ trên đời này không có bao nhiêu người có tấm lòng được như thầy Mốt”.
Điều đáng quý là tất cả các hoạt động từ thiện xã hội mà thầy Mốt đang thực hiện đều từ nguồn kinh phí xã hội hóa, do chính thầy vận động, chính uy tín và tinh thần tự nguyện không vụ lợi mà ngày càng nhiều người ủng hộ những việc làm ý nghĩa của thầy. Hiện tại, các bếp ăn tình thương ở bệnh viện đa khoa Sa Đéc, bếp ăn khuyến học và bếp ăn cho người bán vé số đều do những thành viên là những người thiện nguyện làm không công với số lượng hơn 600 người.
Chính sự nhiệt huyết của thầy cũng đã góp phần lan tỏa hành động đẹp, lôi cuốn nhiều người cùng tham gia. Nói về thầy Mốt, bà Đặng Thị Bé - Trưởng ban điều hành bếp ăn Khuyến học Tp Sa Đéc nhận xét: “Đối với thầy Mốt thì chúng tôi rất quý thầy vì thầy là một người có tâm đạo, ở bất cứ lĩnh vực nào khi thầy thấy những mảnh đời khó khăn thì thầy đều có sự suy nghĩ và đứng ra tổ chức để giúp đỡ những hoàn cảnh này. Đa số các anh chị em ở đây đều làm vất vả nhưng với tinh thần tự nguyện, không công nhiều người đôi lúc trong công việc cũng gặp khó khăn, vấp váp, chán nản nhưng được sự động viên của thầy và nhìn vào tấm gương không mệt mỏi của thầy mà chúng tôi quyết làm và làm hoài làm mãi”.
Vốn xuất thân trong gia đình nghèo, không ruộng đất nên khi gặp người nghèo khổ thì thầy Mốt có một sự đồng cảm đặc biệt, sẵn lòng tìm cách giúp đỡ, chính vì sự nặng lòng với người nghèo mà thầy không cho phép mình ngơi nghỉ vì với thầy còn sống là còn giúp ích cho đời.
Khi được hỏi ước nguyện lớn nhất của thầy hiện giờ là gì, thầy Nguyễn Văn Mốt chia sẻ: “ Ước nguyện lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao được mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến vì mình thấy còn rất nhiều người nghèo đang cần mình. Con cháu trong gia đình cũng có lúc nói tôi già rồi nên nghỉ ngơi tuy nhiên quan điểm của tôi là ngày nào mình còn thở, còn đi đứng được là mình cố gắng làm chút gì cho đời đó cũng là niềm vui cho mình”.
Hiện, thầy Nguyễn Văn Mốt được địa phương tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thành phố Sa Đéc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Sa Đéc; Phó Trưởng ban Điều hành Tổ từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Phó Trưởng ban Quản lý Nhà hỏa táng Từ thiện Sa Đéc; Chủ nhiệm Nhà tình thương...
Đã 80 tuổi đời và hơn 40 năm tuổi Đảng, thầy Nguyễn Văn Mốt vẫn miệt mài đi gieo quả ngọt cho đời và những cống hiến đó của thầy xứng đáng để mọi người yêu mến, quý trọng, xứng đáng với tên gọi trìu mến mà mọi người hay gọi “ông bụt” đời thường.