"Né bẫy" để đạt điểm cao môn Ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Trong giai đoạn nước rút, thí sinh nên luyện giải đề tương tự đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT đã công bố, đồng thời nắm chắc các chủ điểm kiến thức trong chương trình phổ thông.

Thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý.
Thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Cô Nguyễn Trang, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Học Mãi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn tập, cũng như lưu ý giúp học sinh chuẩn bị tốt cho bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Xác định rõ mục tiêu

Cô Trang cho biết, theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi môn tiếng Anh bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó khoảng 60% là các câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu, 40% còn lại thuộc dạng vận dụng, nâng cao. Các dạng bài chính gồm ngữ âm, trọng âm; chọn đáp án đúng; tìm từ đồng, trái nghĩa; chức năng giao tiếp; đọc và điền từ; đọc hiểu; tìm lỗi sai; tìm câu đồng nghĩa; nối câu.

Với thời gian làm bài 60 phút, thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Cô Trang lưu ý các em nên dành ra khoảng 10 phút cuối giờ để soát lại đáp án, xử lý các câu khó. Trước khi thi, thay vì kỳ vọng đạt điểm cao, các em cần xác định cụ thể số điểm mục tiêu của bản thân. Từ đó, các em có thể khoanh vùng nội dung ôn tập thay vì ôm đồm quá nhiều kiến thức.

Với 50 câu hỏi, thang điểm sẽ được tính như sau: 6 điểm nếu làm dúng 30 câu, 8 điểm nếu làm đúng 40 câu hay điểm tuyệt đối với 50 câu đúng. Ví dụ, các em đặt mục tiêu đạt 7 điểm. Trong quá trình ôn luyện, các em nên luyện kỹ những phần nội dung đã nắm bắt và trau dồi thêm những phần chưa tốt để đạt ít nhất 35 câu đúng.

Hai phương pháp làm dạng bài đọc hiểu.
Hai phương pháp làm dạng bài đọc hiểu.

Theo cô Trang, thí sinh cần lưu ý dạng bài đọc hiểu bởi đây là nội dung khó, chứa nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng, nâng cao. Dạng bài này có hai cách tiếp cận phổ biến. Đầu tiên, thí sinh đọc đoạn văn, đọc câu hỏi rồi gạch chân từ khóa trong câu hỏi. Từ đó, các em có thể xác định nội dung cần tìm kiếm trong đoạn văn và lựa chọn đáp án đúng. Ngoài ra, thí sinh có thể đọc câu hỏi trước rồi gạch chân từ khóa, sau đó đọc đến văn bản và xác định nội dung cần tìm kiếm trong văn bản.

Hai cách làm trên đều đem lại hiệu quả trong việc tìm từ khóa và xác định đáp án. Trong quá trình ôn tập, thí sinh cần tìm ra phương pháp xử lý phần đọc hiểu phù hợp với bản thân, mang lại kết quả làm bài tốt nhất.

Ngoài ra, với các câu hỏi về từ vựng, thí sinh cần nắm vững từ vựng trong chương trình sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12. Trong khi đó, các chủ điểm ngữ pháp nằm dàn trải trong chương trình phổ thông từ lớp 10 đến lớp 12 nên thí sinh không nên lơ là chương trình đầu cấp. Với phần ngữ âm, thí sinh cần nắm rõ nguyên âm đôi, nguyên âm đơn, cách phát âm các từ kết thúc bằng đuôi –s và –ed, cũng như trọng âm của các từ 2 hoặc 3 âm tiết.

Phương pháp vượt bẫy

Cô Trang Nguyễn, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Học Mãi.
Cô Trang Nguyễn, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Học Mãi.

Cô Trang nhận xét khối lượng kiến thức trong đề thi môn tiếng Anh không hề ít nhưng nếu thí sinh đặt ra số điểm mục tiêu phù hợp, gánh nặng ôn tập sẽ không còn quá lớn. Với dạng bài thi trắc nghiệm, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng trước các câu hỏi “bẫy”. Nhưng bẫy trong đề thi trắc nghiệm bản chất chính là điểm yếu, lỗ hổng kiến thức của thí sinh. Nói cách khác, vị trí bẫy nằm ở dạng bài nào phụ thuộc vào khả năng của mỗi thí sinh. Giả sử, thí sinh sợ phần đọc hiểu, đây chính là nơi các em dễ dàng lọt bẫy.

Để đạt điểm số như kỳ vọng và “né bẫy” hiệu quả, cô Trang khuyến khích thí sinh ôn tập theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, thí sinh luyện tập theo từng dạng bài đã phân tích ở trên. Khi luyện độc lập từng dạng bài, các em có thể dễ dàng xác định điểm mạnh, yếu của theo từng phần. Qua đó, dạng bài yếu có thể dành thời gian ôn tập nhiều hơn các dạng bài thế mạnh.

Đến giai đoạn 2, thí sinh chuyển sang luyện đề tương tự với đề minh hoạ đã công bố. Trong giai đoạn này, các em chú ý tự giới hạn thời gian làm bài là 60 phút giống như khi thi thật. Sau khi làm bài và tự chấm điểm, hãy tập trung vào các câu sai, tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao sai để tránh lặp lại lỗi đó trong phòng thi. Thí sinh có thể lặp lại quá trình này cho đến khi điểm số làm thử ở nhà bằng hoặc cao hơn điểm mục tiêu đã đặt ra.

“Hai lời khuyên quan trọng nhất cô muốn dành cho các bạn thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” và “trăm hay không bằng tay quen”. Hiểu rõ mình yếu ở đâu để bổ sung “vitamin” kiến thức phù hợp, kết hợp với việc luyện tập thường xuyên để vững vàng tâm thế bước vào phòng thi. Như vậy, các em có thể thuận lợi đạt điểm số như mong muốn” - cô Nguyễn Trang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ