Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử từ đề tham khảo: Chắc kiến thức trong SGK

GD&TĐ - Cô Phạm Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử từ đề tham khảo.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Đề bao quát kiến thức, tránh học tủ, học lệch

Cho biết đề tham khảo môn Lịch sử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như đề thi năm 2023, cô Phạm Thị Phương Thảo nhận định đây là một thuận lợi đối với thí sinh. Các câu hỏi trong đề thi bao quát chương trình học nên sẽ đánh giá khái quát năng lực học sinh một cách toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Đề tham khảo bám sát với chương trình THPT, nhưng chủ yếu rơi vào chương trình học lớp 12; phần Lịch sử 11 chỉ chiếm 4 câu, phần kiến thức liên thông giữa lớp 11 và lớp 12.

Trong đó, các câu hỏi nội dung thuộc chương trình lớp 12 đều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng không quá khó đối với học sinh.

Trọng tâm phần Lịch sử 12 là kiến thức Lịch sử giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, có 5 câu về giai đoạn kháng chiến chống Mĩ; 1 câu phần Lịch sử Việt Nam từ năm 1975 - 2000. Phần Lịch sử thế giới của chương trình lớp 12 được trải đều ở tất cả chương học. Do đó, nếu muốn lấy trọn điểm phần lịch sử thế giới thì học sinh không thể học tủ.

Các câu nội dung thuộc chương trình lớp 11 có 1 câu phần Lịch sử thế giới hiện đại và 3 câu lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thực dân Pháp bắt đầu xâm lược (1858 - 1918).

Điểm đổi mới trong đề thi tham khảo môn Lịch sử năm nay là giới hạn ôn tập phần Lịch sử lớp 11 được mở rộng hơn; cụ thể là câu hỏi về giai đoạn Lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 - 1945.

Số lượng câu phân hóa học sinh giỏi chiếm 10 câu là phù hợp. Những câu hỏi này đa số thuộc phần lịch sử Việt Nam lớp 12, yêu cầu học sinh phải có kiến thức và khả năng tư duy môn học.

“Nhiều năm, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử thường thấp hơn so với hai môn còn lại trong tổ hợp Khoa học xã hội. Học sinh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các mốc thời gian và chi tiết vụn vặt. Thật mừng là đề thi tham khảo năm nay không có những câu hỏi như trên”, cô Phạm Thị Phương Thảo chia sẻ.

Cô Phạm Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).
Cô Phạm Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Chắc kiến thức trong sách giáo khoa

Từ phân tích đề tham khảo, cô Phạm Thị Phương Thảo khuyên thí sinh: Chỉ cần tập trung học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, ghi nhớ những mốc sự kiện quan trọng, tránh học tủ là có thể đạt được điểm trung bình trở lên.

Khi làm bài thi, các em cần phải đọc kỹ đề và tư duy logic với những kiến thức đã học để chọn được đáp án chính xác nhất, bởi hầu hết các đáp án đều có điểm tương đồng về nội dung.

Ví dụ câu hỏi: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhân dân Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của quốc gia châu Á nào sau đây?”, nhiều thí sinh sai khi chọn đáp án Cuba mà không để ý đến khu vực mà câu hỏi nhấn mạnh đó là châu Á. Hoặc cũng có thí sinh sẽ hoang mang với hai đáp án Cuba và Trung Quốc vì hai quốc gia này đều giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Pháp.

Với ma trận đề tham khảo năm nay, thí sinh nên tập trung ôn tập phần Lịch sử Việt Nam để dành điểm nhiều hơn. Thí sinh cần phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và chuẩn kiến thức; đồng thời mở rộng kiến thức bằng cách đọc, tham khảo các bộ môn có liên quan như Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân…

Cô Phạm Thị Phương Thảo đồng thời chia sẻ một số lỗi sai dễ mắc phải điển hình trong khi làm bài thi lịch sử; trong đó có việc nhầm lẫn các sự kiện lịch sử có điểm tương đồng. Ví dụ, nhầm lẫn trận Điện Biên Phủ năm 1954 với trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972; giữa Hiệp định Giơ-ne-vơ với Hiệp định Pari…Do đó, học sinh cần phải tạo riêng cho mình từ khoá, tránh nhầm lẫn các sự kiện như trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.