Lồng ghép giáo dục truyền thống trong dạy học Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Làm sao để tăng sức hấp dẫn bài học lịch sử vốn dĩ khô khan? Dạy Lịch sử gắn với giáo dục truyền thống, hoạt động trải nghiệm là một giải pháp.

Thầy tổng giám thị Trường THCS Bến Văn Đàn kể chuyện về bộ đội Cụ Hồ.
Thầy tổng giám thị Trường THCS Bến Văn Đàn kể chuyện về bộ đội Cụ Hồ.

Dạy lịch sử gắn liền với giáo dục truyền thống

Trong tháng 12, hưởng ứng không khí kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngày mất của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, thầy trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thú vị, lồng ghép vào chương trình dạy học Lịch sử.

Một trong số đó là chương trình truyền thông chủ đề lịch sử, tìm hiểu về truyền thống ngày Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là tìm hiểu về người anh hùng Bế Văn Đàn.

Tại chương trình, học sinh toàn trường đã được nghe cô Nguyễn Thị Chinh Nương, giáo viên lịch sử của nhà trường giới thiệu về ngày lễ lớn của đất nước, được sống lại cùng những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Đồng thời, học sinh được theo dõi nhiều đoạn phim tư liệu quý giá về anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, người anh hùng mà ngôi trường các em đang theo học được vinh dự mang tên.

Qua đó, học sinh thêm yêu và tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Học lịch sử để tự hào về truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, tưởng nhớ tấm gương hy sinh của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Học lịch sử để tự hào về truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, tưởng nhớ tấm gương hy sinh của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Trước đó, Trường THCS Bế Văn Đàn đã tổ chức cho học sinh tham gia ủng hộ chương trình thiện nguyện tại Cao Bằng - quê hương anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

“Qua những hoạt động thiết thực này, học sinh được “cảm nhận” lịch sử một cách trực quan hơn. Học lịch sử không chỉ để ghi nhớ những sự kiện mà còn để biết tự hào, trân trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, ngay từ những việc làm có ý nghĩa đối với cộng đồng”.

Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Chinh Nương cho rằng, giảng dạy lịch sử gắn liền với giáo dục truyền thống cho học sinh bằng những hoạt động thiết thực cần được quan tâm đặc biệt. Điều này không chỉ tạo sự hào hứng, thú vị cho người học mà còn giúp các em nhận ra giá trị thực sự của môn học.

Đa dạng cách khám phá kiến thức

Cô Đào Thị Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: một trong những mục tiêu dạy học Lịch sử của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là góp phần hình thành năng lực, phẩm chất tốt đẹp cho học sinh.

Dạy - học Lịch sử theo hình thức trải nghiệm là cần thiết, góp phần cụ thể hoá, làm sinh động kiến thức môn học. Qua đó, học sinh được học tập trong môi trường thực tiễn, trực tiếp tham gia các hoạt động để khám phá và chiếm lĩnh kiến thức.

Học sinh tích cực hưởng ứng chương trình thiện nguyện ủng hộ đồng bào nghèo và học sinh xã Bế Văn Đàn, Quảng Hòa, Cao Bằng - quê hương anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Học sinh tích cực hưởng ứng chương trình thiện nguyện ủng hộ đồng bào nghèo và học sinh xã Bế Văn Đàn, Quảng Hòa, Cao Bằng - quê hương anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Đây là một hình thức dạy học góp phần làm đổi mới phương pháp giáo dục bộ môn. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được chủ động khám phá kiến thức với các hình thức đa dạng, không chỉ dừng lại trong sách vở. Việc này giúp các em giảm bớt áp lực học tập, hình thành những phẩm chất tốt đẹp và phát triển năng lực chung cũng như năng lực đặc thù môn Lịch sử.

“Thời gian qua, Ban giám hiệu Trường THCS Bế Văn Đàn cùng tập thể thầy cô giáo đã xây dựng nhiều nội dung dạy học Lịch sử, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và những hoạt động trải nghiệm thiết thực.

Những giờ học lịch sử trên lớp thường xuyên được thầy cô thiết kế rất sinh động thông qua các bộ phim tư liệu, trưng bày tranh ảnh hoặc hoạt động nhập vai,... Từ đó, những sự kiện, nhân vật lịch sử được tái hiện chân thực bằng âm thanh, hình ảnh trực quan nên sẽ giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn. Từ đó, các em có thể “cảm nhận” môn học với niềm yêu thích và hiệu quả học tập cũng tăng cao”, cô Đào Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm thiết thực, như lồng ghép vào các tiết chủ điểm sinh hoạt dưới cờ; tổ chức cho học sinh chăm sóc di tích lịch sử cách mạng (Gò Đống Đa); tổ chức học tập trải nghiệm tại di tích lịch sử (Đền Hùng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,...); tổ chức tham quan bảo tàng,...

Trong năm học trước, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, học sinh đã được trực tiếp đến thăm và giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quân sự.

“Có thể nói, các hoạt động điển hình của nhà trường diễn ra trong năm đều gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là gắn liền với thủ đô Hà Nội. Đây được xem như một biện pháp hiệu quả để đưa lịch sử đến với học sinh một cách tự nhiên và ít “khô khan” nhất có thể”, cô Đào Thị Hồng Hạnh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.