Điện Biên: Một người “chết oan” tại khu tái định cư dự án cảng hàng không?

GD&TĐ - Ngày 13/3, một người đàn ông tử vong tại điểm tái định cư số III dự án nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên. Khi sự việc xảy ra, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều khẳng định họ… vô can(?).

Hiện trường khu dự án tái định cư nơi xảy ra vụ đổ tường khiến ông N.V.K (SN 1968) tử vong hôm 13/3.
Hiện trường khu dự án tái định cư nơi xảy ra vụ đổ tường khiến ông N.V.K (SN 1968) tử vong hôm 13/3.

Người đàn ông nhặt rác tử vong tại khu “đất bẩn”

Khoảng 17 giờ, ngày 13/3, ông N.V.K (SN 1968, trú tại tổ 21, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) thiệt mạng tại khu vực giải phóng mặt bằng Khu tái định cư số III (tổ 5, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là vị trí thuộc dự án nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên.

Ông K đi vào khu vực công trường đang thi công phá dỡ, giải phóng mặt bằng để thu nhặt phế liệu. Trong lúc thu nhặt, bức tường đổ sập, đè trúng người khiến ông K tử vong tại chỗ.

Theo Quyết định 1083 ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh Điện Biên Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Điểm tái định cư số III dự án Nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên thì UBND thành phố Điện Biên Phủ là chủ đầu tư của dự án nói trên. 

Ông Tòng Văn Chung - Phó Giám đốc BQLDA TP Điện Biên Phủ cho biết, đơn vị mình “chưa kí biên bản bàn giao mặt bằng” tại khu vực xảy ra tai nạn. Ông Chung khẳng định, mặt bằng vẫn thuộc quyền quản lý của Trung tâm quản lý đất đai (TTQLĐĐ) thành phố.

Việc nhà thầu là Công ty Cổ phần (CTCP) Đường bộ 226 đến phá dỡ tường rào, san ủi mặt bằng khu tái định cư là để “hỗ trợ” người dân hay như thế nào thì BQLDA không biết(?). 

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Công ty CP Đường bộ 226 khẳng định, đơn vị mình không liên quan. “Cái này anh không biết. Vì đơn vị anh đã được nhận mặt bằng sạch đâu?

Về nguyên tắc là khi nhận “mặt bằng sạch” từ chủ đầu tư thì anh mới được phép thi công. Còn việc tai nạn xảy ra như thế nào thì anh cũng không biết. Đó là việc người dân hỗ trợ nhau tháo dỡ nhà cửa!”, ông Thủy nói.

Sau đó 8 ngày, mặt bằng sạch đẹp, gọn gàng đã hình thành mà không ai biết “bàn tay” nào làm nên điều “diệu kì” này.
Sau đó 8 ngày, mặt bằng sạch đẹp, gọn gàng đã hình thành mà không ai biết “bàn tay” nào làm nên điều “diệu kì” này.

Mặt bằng “tự hóa” đất nền sạch… 

Trái ngược với những lý giải của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, TTQLĐĐ TP Điện Biên Phủ cho biết mặt bằng khu tái định cư số III đã được bàn giao.

“Sáng thứ 6 (tức 12/3/2021) các bên đã thống nhất bàn giao mặt bằng cho thành phố. Trong buổi đó có đại diện hộ gia đình, Tổ trưởng dân phố, phường, cả người đại diện BQLDA là anh Long.

Khi bàn giao thực địa thì người dân, đại diện chính quyền ký trước, các ban, ngành họ sẽ về ký sau vì nguyên tắc người ký phải là thủ trưởng đơn vị. Nhưng hôm sau thì bên BQLDA họ cũng vẫn chưa thấy kí nhận”, lãnh đạo TTQLĐĐ TP Điện Biên Phủ nói.

Ông Tòng Văn Chung cho rằng, buổi làm việc giữa các bên vào ngày 12/3 chỉ là “kiểm tra mặt bằng” chứ chưa phải bàn giao. Ông còn quả quyết rằng đến ngày 19/3, đơn vị ông vẫn chưa được nhận mặt bằng từ các bên.

“Người dân mới bàn giao trước hôm bị đổ (12/3). Anh em vào trong đấy kiểm tra mặt bằng nhưng chưa giao. Cho đến giờ phút này anh chưa được kí”, ông Tòng Văn Chung nói.

Ông Đàm Văn Quyên - Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Thanh Trường nói: “Hôm đó dân chỉ kí là bàn giao hết mặt bằng cho bên Công ty CP Đường bộ 226 người ta thi công thôi.

Thành phần gồm: Phố, phường, gia đình, kí bàn giao với chủ đầu tư người ta nhận mặt bằng. Bàn giao xong thì ngày hôm sau họ thi công. Họ cho máy đến rồi họ đập tường, chứ người dân người ta đập làm gì? Dân người ta chỉ lấy những thứ gì đáng lấy, rồi còn lại bàn giao lại hết”.

Về vụ tử vong, ông Quyên nói do doanh nghiệp làm liều: “Quá trình thi công do Công ty 226 làm không an toàn thôi. Khi anh thi công anh phải căng dây, chắn, cấm mọi người vào, có người hướng dẫn chứ.

Cứ cho người ta vào nhặt sắt vụn ào ào như thế, tai nạn xảy ra. Người ta lái máy xúc tận bên kia, cả bức tường đổ dọc xuống như thế, chết cả người. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp”.

Trong lúc BQLDA và nhà thầu chưa biết mặt bằng dự án đang trong “tay” ai thì điều “kì diệu” đã xảy ra. Chỉ sau 8 ngày kể từ ngày “kiểm tra thực địa” như ý của vị phó giám đốc BQLDA, ngày 19/3, mặt bằng bỗng chốc “thoát xác” trở thành khu đất nền phẳng phiu. Những đống đổ nát, cây cối, hoa màu trên đất của dân đã không còn. Thay vào đó là nền đất mới rộng rãi được san gạt chỉn chu, lu lèn chắc chắn. 

Đem điều “kì diệu” này đến hỏi đại diện chủ đầu tư thì ông Tòng Văn Chung cũng chỉ cười trừ.

“Chú hỏi anh cái đấy thì anh chịu! Về nguyên tắc TTQLĐĐ bàn giao cho bọn anh, bọn anh mới bàn giao cho đơn vị thi công. Đó là về quy trình chú ạ! Thế nên nó vẫn thuộc quyền quản lý của hộ gia đình và bên TTQLĐĐ. Anh còn chưa nhìn thấy cái biên bản, không biết các hộ gia đình đã kí chưa?”, ông Chung nói.

Người dân đã chủ động nhường đất để tạo mặt bằng triển khai dự án. Chủ đầu tư cũng như nhà thầu chưa nhận được mặt bằng. Vậy nhưng, Khu tái định cư số III thuộc dự án Nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên bỗng chốc san gạt sạch sẽ “kì diệu”.

Vậy, ai đã “phù phép” đất bẩn thành sạch ở khu tái định cư dự án Nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên?

Dự án đầu tư xây dựng Điểm tái định cư số III dự án Nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên đầu tư với mục tiêu: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo mặt bằng bố trí tái định cư cho khoảng 230 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên. Đất nền san ủi khoảng 2,56ha. Tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư: Nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, nguồn tăng thu NSĐP và nguồn vốn đầu tư trong cân đối NSĐP theo kế hoạch hàng năm của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án: 2019 - 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.