Ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Làm gì để lấy điểm tối đa phần Đọc hiểu?

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang đến rất gần, các sĩ tử bước vào giai đoạn nước rút về đích.

Các sĩ tử trao đổi bài Ngữ văn sau buổi thi. Ảnh minh họa
Các sĩ tử trao đổi bài Ngữ văn sau buổi thi. Ảnh minh họa

Với môn Ngữ văn, Đọc hiểu văn bản là một trong hai phần bắt buộc có trong một đề thi tốt nghiệp THPT. Có thể nói ôn tập và làm tốt phần Đọc hiểu chính là giúp các em “gỡ điểm” cho bài thi của mình. Vậy giải pháp nào để giúp học sinh có thể lấy điểm tối đa phần Đọc hiểu?

1.

 Việc đầu tiên phải chú ý rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh nắm chắc, hiểu sâu và toàn diện kiến thức đồng thời hướng dẫn cho các em cách làm các dạng cụ thể của bài Đọc hiểu. Đây là một bước không mấy dễ dàng đối với những thầy cô ôn thi tốt nghiệp THPT nói chung, đặc biệt là các giáo viên mới ra trường hoặc năm đầu ôn thi. Vì phần kiến thức lý thuyết liên quan đến dạng câu hỏi Đọc hiểu này khá rộng, kiến thức không quy tụ thành một bài, hay ở một khối lớp nào mà kiến thức đó nằm rải rác từ lớp 6 cho đến lớp 12.

Vì vậy, giáo viên mất nhiều thời gian thu thập, thanh lọc, xử lý kiến thức, chia thành các mảng, với các chủ đề cụ thể cùng các ví dụ tương ứng để hướng dẫn học sinh. Giáo viên nên nghiên cứu và phân loại kiến thức lý thuyết có liên quan đến dạng câu hỏi Đọc hiểu để ôn tập cho học sinh. Đặc biệt ở những phần kiến thức lý thuyết dễ nhầm lẫn có thể kẻ thành bảng kiến thức trọng tâm nhằm giúp các em học sinh nhận diện đúng từng thể loại, dễ dàng khắc sâu kiến thức. Sau mỗi phần lý thuyết đều có ví dụ minh họa để học sinh củng cố, kiểm chứng lại lý thuyết. Trong một ngữ liệu, có thể khai thác nhiều dạng câu hỏi khác nhau để các em nắm chắc, hiểu sâu kiến thức từ đó vận dụng vào bài tập cụ thể.

2.

Đối với dạng câu hỏi vận dụng thấp và vận dụng cao, cũng cần hệ thống các dạng câu hỏi thường gặp và hướng dẫn cách làm cụ thể. Ví dụ như dạng câu hỏi trình bày suy nghĩ, quan điểm: Câu hỏi giải thích vì sao/tại sao? Đây là câu hỏi thông hiểu, mục đích của câu hỏi là kiểm tra mức độ hiểu ý nghĩa hàm ẩn bên trong câu nói.

Đôi khi câu trả lời nằm ngay trong văn bản, tác giả đã có lí giải cụ thể các em chỉ cần liệt kê lại. Vì thế, các em cần đọc kĩ lại văn bản, dựa vào yêu cầu cụ thể của câu hỏi để trả lời. Đôi khi câu trả lời nằm ở nghĩa hàm ẩn của câu nói, các em phải suy luận ra để đi đến câu trả lời. Cách suy luận đơn giản chỉ cần trả lời cho các câu hỏi: Vì sao…? Vì sao không…? Nếu không như vậy thì sao…?

Khi trả lời có thể kết nối với kiến thức đã biết trong thực tế để bổ sung. Khi trình bày nên viết: Câu văn/hình ảnh… hay/đặc sắc/sâu sắc vì… Sau đó giải thích bằng lí lẽ. Sau khi giải thích xong cần có 1, 2 câu bình giá, nâng cao vấn đề.

Với dạng câu hỏi rút ra bài học/thông điệp/lời gửi gắm qua văn bản. Đây là câu hỏi vận dụng cao, dạng mở đòi hỏi học sinh đưa ra ý kiến của riêng mình sau khi đọc văn bản.

Dạng câu hỏi:

- Văn bản gửi đến cho em/bạn đọc những thông điệp/ý nghĩa/bài học nào?

- Văn bản gửi đến cho em/bạn đọc thông điệp/bài học sâu sắc nhất?

Một số lưu ý để học sinh làm tốt nhất câu hỏi này:

- Thông điệp đưa ra là hàm ý suy luận ra từ nội dung của văn bản

- Nếu có nhiều thông điệp, học sinh có quyền lựa chọn miễn sao giải thích lí do thuyết phục

- Thông điệp có thể là một bài học tư tưởng đạo lý và hành động có ý nghĩa thực tiễn

Dưới đây là 3 bước cần có để làm tốt dạng câu hỏi này:

- Xác định thông điệp: Văn bản đem đến cho em nhiều thông điệp có ý nghĩa…/Thông điệp ý nghĩa nhất với em là.....

- Suy luận thông điệp tư tưởng đạo lý: Vì nó cho em thấy rằng, chúng ta cần....

- Suy luận bài học thực tiễn: Chúng ta cần làm... để thay đổi.

Thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà chắc chắn nó còn có ý nghĩa với tất cả mọi người.

3.

Sau khi đã ôn luyện lý thuyết có liên quan đến câu hỏi Đọc hiểu và cách làm các dạng câu hỏi cụ thể của bài Đọc hiểu, giáo viên tổ chức cho các em rèn kĩ năng làm bài Đọc hiểu thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập. Khi luyện đề, nên chọn lọc ngữ liệu thuộc nhiều kiểu văn bản khác nhau. Với mỗi ngữ liệu đưa ra hệ thống câu hỏi đa dạng, bao quát được các dạng kiến thức lý thuyết đã ôn tập, chú ý những dạng câu hỏi, cách diễn đạt câu hỏi mà học sinh dễ nhầm lẫn. Trong quá trình luyện đề Đọc hiểu, giáo viên không chỉ chú ý quan sát cách các em làm bài, chấm, chữa bài cho các em về nội dung kiến thức cần đạt, mà còn chú ý sửa các lỗi về diễn đạt, dùng từ, cách trình bày bài…

Với một đề Đọc hiểu, nếu yêu cầu các em làm theo kiểu tìm ý chính, giáo viên yêu cầu các em hoàn thành trong khoảng thời gian 5 - 7 phút; nếu yêu cầu làm bài hoàn chỉnh, thời gian các em cần hoàn thành bài tập từ 20 - 30 phút, tùy mức độ dễ hay khó của bài tập. Khuyến khích các em tự làm, tự chấm chữa bài của mình và của bạn, bằng cách giao bài tập, gợi ý đáp án, biểu chấm và cho các em đối chiếu, chấm bài để tự nhận thấy mình còn sai, thiếu phần nào.

Sau khi chữa bài, chấm bài, yêu cầu các em xem lại bài, làm lại những câu còn nhiều sai sót để các em vừa nhớ kiến thức, vừa luyện kỹ năng làm bài. Khuyến khích các em tìm thêm tài liệu, các đề Đọc hiểu… để tự làm, tự luyện. Sau khi các em đã thuần thục kỹ năng làm bài Đọc hiểu, giáo viên giao bài tập, tổ chức luyện đề theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT để các em biết cân đối các phần trong một bài thi cụ thể.

Câu hỏi Đọc hiểu có một vị trí nhất định, quyết định điểm số của bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, cân đối thời gian làm bài hợp lí để đạt điểm cao là rất quan trọng với mỗi học sinh. Để giúp các em làm được điều đó, trong quá trình bồi dưỡng thầy cô phải luôn dày công, dốc sức bằng ngọn lửa của lòng nhiệt huyết và đam mê với nghề; bằng niềm say mê với mỗi tác phẩm văn học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ