Môn Ngữ văn: Bí quyết lấy điểm từ kỳ thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Bài thi đánh giá năng lực là xu thế tuyển sinh của những trường đại học tốp đầu cả nước như ĐHQG Hà Nội, ĐHSP Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính chất của bài thi là kiểm tra được kiến thức, năng lực và đánh giá được khả năng tư duy của thí sinh. 

Khi vấn nạn văn mẫu như một hòn đá tảng triệt tiêu sự sáng tạo của người học thì kiểu bài thi đánh giá năng lực đã hoàn toàn giúp học sinh tránh được lối mòn học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu.

Phải thực sự động não

Bài thi đánh giá năng lực không chú trọng vào khả năng ghi nhớ, học thuộc mà đánh giá được kĩ năng tư duy, khả năng vận dụng kiến thức, đánh giá kiến thức tổng hợp và mức độ hiểu biết về mọi mặt đời sống xã hội của thí sinh.

Dạng bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi thí sinh phải có được một năng lực tiếng Việt nhất định, có kiến thức rộng, nắm được chắc chắn các kiến thức cơ bản và làm tốt các dạng câu hỏi vận dụng, thực hành.

Với dạng kiểu bài này, học sinh không thể nhồi nhét kiến thức trong ngày một ngày hai mà cần quá trình tích lũy kiến thức trong một thời gian dài, học chắc và có hiểu biết sâu, rộng.

Ở các trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM... bài thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn là phần bài thi thuộc về tư duy định tính. Thí sinh phải làm một bài trắc nghiệm trên máy với 50 câu hỏi trong thời gian 60 phút. Qua đó, kiểm tra được những năng lực cơ bản của học sinh như năng lực ngôn ngữ, năng lực đọc hiểu, năng lực tư duy, suy luận, logic...

Kiến thức bài thi sử dụng các ngữ liệu trong và ngoài chương trình. Với các câu hỏi liên quan về các phần như ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, biện pháp tu từ... Ngoài ra, còn có các câu hỏi về nội dung, chủ đề, thông điệp, phong cách tác giả...

Với dạng đề này thí sinh phải thật sự động não, thật sự tư duy, thật sự hiểu bản chất của vấn đề. Thí sinh cần đọc kĩ ngữ liệu và nắm bắt được điểm rơi của câu hỏi nằm ở các từ khóa.

Sau đó, bằng suy luận phân tích lựa chọn được đáp án đúng nhất. Thí sinh cũng cần trang bị cho mình kiến thức nền thật vững chắc. Có chắc chắn thì mới có được sự lựa chọn quyết đoán, chính xác và làm câu nào chắc câu đó, không có tâm lí đắn đo, sợ sai.

Để hoàn thành bài thi, thí sinh cần có các kĩ năng khác như đọc ngữ liệu, đọc lướt, đọc chậm, đọc suy ngẫm; xử lí, nắm bắt giải quyết thông tin thật tỉnh táo trong một khối lượng kiến thức bề bộn, ngổn ngang mà bài thi mang lại.

Một yếu tố nữa quyết định sự thành công của bài thi là kĩ năng phân bố điều tiết thời gian cho các câu hỏi cần hợp lý. Vì các câu không sắp xếp theo trật tự từ dễ đến khó nên nếu sa đà vào những câu khó thì thí sinh dễ bị tước đoạt cơ hội của mình làm các câu còn lại và dễ mất điểm.

Trang bị cho mình một khối lượng lớn kiến thức nhưng được hệ thống hóa mạch lạc, rõ ràng; học chắc, học đến đâu hiểu sâu đến đó; tập làm quen với các đề thi tham khảo mà các trường đại học đưa ra trước đó sẽ giúp thí sinh có được tâm lí vững vàng, bình tĩnh khi hoàn thành bài thi của mình.

Năng lực đọc hiểu

Môn Ngữ văn: Bí quyết lấy điểm từ kỳ thi đánh giá năng lực ảnh 1

Các ngữ liệu trong bài thi đánh giá năng lực được trình bày dưới hình thức một đoạn văn, một đoạn thơ: Cô đọng về ý, súc tích về diễn đạt và đa dạng về chủ đề. Học sinh cần hình thành năng lực đọc nhanh, đọc lướt ngữ liệu.

Bàn về năng lực đọc hiểu trong dạy học môn Văn trong nhà trường, GS Trần Đình Sử cho rằng: “Đọc để hiểu tác phẩm. Đọc không chỉ phải hiểu câu, hiểu chữ tác giả dùng, mà còn hiểu ngữ điệu, hiểu các mối liên kết ý tứ trong bài thì mới mong hiểu được thông điệp của tác giả”.

Kĩ năng đọc ngữ liệu giúp thí sinh nắm bắt, hình dung được văn bản đang nói gì. Đọc giúp thí sinh có thể hiểu được nghĩa. Đọc để suy ngẫm thông điệp tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Song song với năng lực đọc hiểu ngữ liệu, thí sinh cần hình thành năng lực đọc các câu hỏi.

Ngữ liệu có thể đọc lướt nhưng câu hỏi cần đọc kĩ. Trọng tâm của câu hỏi nằm ở các từ khóa nên men theo các từ khóa, soi vào ngữ liệu và các đáp án, thí sinh có thể tìm được những gợi dẫn để lựa chọn được đáp án đúng nhất.

Chẳng hạn, trong đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực lĩnh vực Ngữ văn – Ngôn ngữ của ĐHQG Hà Nội về ngữ liệu là một đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Với Câu hỏi số 53: Những câu thơ cho biết tác giả nhấn mạnh nỗi nhớ trong tình yêu từ phương diện không gian? Thì đáp án phải là câu 1 và câu 2 của đoạn thơ chứ không nằm ở những câu thơ còn lại, loại bỏ các đáp án khác.

Câu hỏi số 55: Cụm từ “con sóng” được lặp lại 3 lần nhằm nhấn mạnh nội dung gì? Thì đáp án là: Nỗi nhớ đằm thắm, thiết tha. Trong câu hỏi này có một đáp án dễ bị nhầm lẫn hơn là Nỗi nhớ cuồng nhiệt, sôi nổi. Nhưng với một hồn thơ đằm sâu, nữ tính như thơ Xuân Quỳnh thì câu trả lời với tính chất nỗi nhớ đằm thắm, thiết tha là đúng hơn cả.

Như vậy, để làm các câu hỏi thí sinh cần có năng lực nhận biết, thông hiểu và vận dụng, suy luận, tổng hợp từ các kiến thức đã học để lựa chọn được một chỉ dẫn chính xác nhất.

Năng lực ngôn ngữ

Bên cạnh năng lực đọc hiểu, bài thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn buộc thí sinh phải hình thành được một năng lực khác nữa đó là năng lực ngôn ngữ.

Năng lực ngôn ngữ là năng lực làm chủ được tiếng Việt, biết sử dụng tiếng Việt một cách thuần thục để phát hiện lỗi sai về dùng từ, ngữ pháp, điền từ vào chỗ trống.

Bài thi hướng đến việc thí sinh cảm và hiểu được về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Tất cả những yêu cầu này buộc thí sinh phải tích lũy kiến thức trong một thời gian dài với sự chắc chắn về ngữ pháp, về từ loại như các khởi ngữ, trạng ngữ, trường từ vựng...

Ví dụ trong đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực lĩnh vực Ngữ văn – Ngôn ngữ của ĐHQG Hà Nội, ở Câu hỏi số 77: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại:

A.Xanh rì/ B. Đỏ ối/ C. Vàng nhạt/ D. Tím ngắt

Thì đáp án chính xác nhất phải là C. Vàng nhạt vì tất cả các từ còn lại đều nằm trong trường từ vựng màu sắc chỉ mức độ mạnh hơn còn riêng từ Vàng nhạt chỉ mức độ màu sắc yếu hơn.

Với những câu hỏi trắc nghiệm của bài thi đánh giá năng lực, thí sinh buộc phải thật sự tư duy, có lí do, cơ sở để lựa chọn đáp án đúng nhất. Bởi vậy mà ưu thế của dạng đề này là với tính chính xác tuyệt đối của câu trả lời sẽ đánh giá được độ chắc về kiến thức của người học, có tính phân loại cao.

Song song với câu hỏi trắc nghiệm, bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn tích hợp cả phần tự luận, đánh giá được kĩ năng viết và cảm nhận, kĩ năng hiểu biết về kiến thức xã hội của người học.

Cụ thể, ngoài phần trắc nghiệm với 3 ngữ liệu hoàn toàn ngoài chương trình với 15 câu hỏi trắc nghiệm thì còn có cả phần Tự luận chiếm 7 điểm trên thang điểm 10. Ví dụ sau đây về đề thi tham khảo môn Ngữ văn phần Tự luận cho kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Câu 1 (3 điểm). Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong câu văn sau: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. (Trích Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 191).

Câu 2 (4 điểm). Plato cho rằng: “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối. Bi kịch thực sự của cuộc đời là khi một người lớn sợ ánh sáng”. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Cùng với phần thi trắc nghiệm, hai câu luận ngắn của phần tự luận (bao gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội) thí sinh sẽ làm trong quãng thời gian 90 phút. Với dạng đề này sẽ đánh giá được cả năng lực đọc hiểu, tư duy, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực viết của thí sinh.

Sự kết hợp này khiến cho đề không bị khô khan mà vẫn rất giàu chất văn, đo được năng lực cảm thụ, hiểu biết kiến thức xã hội, có tính phân loại cao và cùng một lúc đánh giá được nhiều năng lực khác nhau của người học.

Khác với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đối với bài thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn, thí sinh được yêu cầu viết đoạn văn cho phần nghị luận văn học và viết bài văn cho phần nghị luận xã hội. Các thí sinh hãy ghi nhớ điều này để không nhầm lẫn khi làm bài thi.

Phần nghị luận văn học chiếm 3,0 điểm. Với hình thức trình bày là một đoạn văn, thí sinh cần thể hiện cảm nhận của mình về một khía cạnh trong một tác phẩm văn học. Đó sẽ là một khía cạnh rất nhỏ như một chi tiết nghệ thuật, một câu văn/đoạn thơ...

Các sĩ tử nên viết trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, bàn luận sâu về khía cạnh được yêu cầu, bám sát vào phần nội dung tác phẩm văn học được trích dẫn trong đề bài. Chú ý, không nên tốn quá nhiều thời gian cho phần giới thiệu tổng quan tác phẩm và tuyệt đối tránh lan man sang những phần khác nằm ngoài yêu cầu đề bài.

Phần nghị luận xã hội chiếm 4,0 điểm. Với hình thức trình bày là một bài văn, thí sinh cần thể hiện suy nghĩ của mình về một vấn đề thực tiễn trong đời sống xã hội.

Hãy phân tích nhiều mặt của vấn đề, mạnh dạn đưa ra có quan điểm, góc nhìn cá nhân, minh chứng bằng những dẫn chứng tiêu biểu, hợp lí, thuyết phục, đồng thời sử dụng văn phong mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng để bài viết tạo được ấn tượng tốt nhất.

Như vậy, với kiểu bài thi đánh giá năng lực, với lượng kiến thức phong phú, ngữ liệu đa dạng, đáp án cần độ chính xác cao, thí sinh bắt buộc phải tư duy, suy luận, vận dụng hiểu biết các kiến thức đã có vào phần bài thi của mình.

Khi việc học tủ, học lệch đang là bài toán nan giải và văn mẫu, bài mẫu đang phổ biến ở mọi cấp học thì việc sử dụng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào của một số trường đại học đã đem đến tín hiệu đáng mừng cho bộ môn Văn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.