Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Nghị luận về ý kiến bàn về văn học

GD&TĐ - Dưới đây là đề cương tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngữ văn - phần nghị luận về nghị luận về ý kiến bàn về văn học của Sở GD&ĐT Tuyên Quang.

Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Nghị luận về ý kiến bàn về văn học

1. Kĩ năng làm bài nghị luận về ý kiến bàn về văn học

            1.1. Tìm hiểu đề

            - Vấn đề nghị luận (luận đề, luận điểm).

            - Xác định các thao tác nghị luận.

            - Phạm vi dẫn chứng (tư liệu).

1.2. Lập dàn ý

a. Mở bài:

Nêu vấn đề nghị luận (trích dẫn ý kiến).

            b. Thân bài:

            - Giải thích ý kiến: các khía cạnh, vấn đề được nêu trong đề bài.

            - Phân tích, chứng minh, bình luận:

            + Phân tích các khía cạnh của vấn đề được nêu trong đề bài (dẫn chứng).

            + Bình luận: 

            . Ý nghĩa (đối với văn học và đời sống).

            .  Tác dụng (đối với văn học và đời sống).

            c. Kết bài

            - Thái độ, ý kiến của người viết về vấn đề.

            - Liên hệ rút ra bài học.

2. Luyện tập làm bài nghị luận ý kiến bàn về văn học

            Đề số 1:

            Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp. 

            Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

            Hướng dẫn làm bài

            a.Mở bài:

            + Quang Dũng một nghệ sĩ đa tài, nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa. 

            + Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca chống Pháp; tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến.

            b. Thân bài:

            Giải thích:

            + “Dáng dấp tráng sĩ thuở trước” là nói đến những nét đẹp trượng phu giàu tính ước lệ kiểu văn chương trung đại trong hình tượng người lính; “Mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp” là muốn nói ở hình tượng người lính có nhiều nét đẹp thân thuộc chắt lọc từ đời sống chiến trường của những anh vệ quốc quân thời

chống Pháp.

            + Đây là hai nhận xét khái quát về hai bình diện khác nhau của hình tượng người lính Tây Tiến: ý kiến trước chỉ ra vẻ đẹp truyền thống, ý kiến sau chỉ ra vẻ đẹp hiện đại.

            Phân tích, bình luận, chứng minh

            * Phân tích, chứng minh:

            - Vẻ đẹp người lính mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước

            + Người lính trong Tây Tiến có dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, đầy hào khí; tinh thần chinh chiến kiêu dũng, xả thân; thái độ ngang tàng, ngạo nghễ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

            + Hình tượng người lính đặt trong miền không gian đầy không khí bi hùng cổ xưa với cuộc trường chinh vào nơi lam chướng nghìn trùng, với chiến trường là miền viễn xứ chốn biên ải, gắn với chất liệu ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ, ... 

            - Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp.

            + Người lính với tinh thần vệ quốc của thời đại chống Pháp cảm tử cho tổ quốc quyết sinh: không tiếc đời mình, không thoái chí sờn lòng, không bỏ cuộc; đời sống quân ngũ gian khổ mà vẫn trẻ trung, tinh nghịch; lăn lộn trận mạc đầy mất mát hi sinh mà vẫn đa cảm đa tình; dồi dào tình yêu thiên nhiên, tình quân dân và tình đôi lứa. 

            + Hình tượng người lính gắn chặt với một sự kiện lịch sử là cuộc hành binh Tây Tiến; một không gian thực là miền Tây, với những địa danh xác thực, những cảnh trí đậm sắc thái riêng của xứ sở vốn hiểm trở mà thơ mộng; với ngôn ngữ đậm chất đời thường của những người lính trẻ...

            * Bình luận:

            - Hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau, tưởng đối lập, nhưng thực ra là bổ sung nhau, cùng khẳng  định những  đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến: đó là sự hoà hợp giữa vẻ đẹp tráng sĩ cổ điển với vẻ đẹp chiến sĩ hiện đại để tạo nên một hình tượng toàn vẹn.

            - Hình tượng có được sự hoà hợp đó là do nhà thơ đã kế thừa thơ ca truyền thống, sử dụng bút pháp lãng mạn, đồng thời đã mang được vào thơ không khí thời đại, hiện thực chiến trường, đời sống trận mạc của bộ đội Tây Tiến mà tác giả vốn là người trong cuộc.

            c. Kết bài:

            Khẳng định lại ý kiến, rút ra bài học.

            Đề số 2:

            Có ý kiến cho rằng:  sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa - Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.

            Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. 

            Hướng dẫn làm bài

            a. Mở bài:

            - Nam Cao là nhà nhân đạo lớn, là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại; Đời thừa là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông trước 1945.

            - Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975; Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm xuất sắc của ông thuộc giai đoạn này.

            b. Thân bài

            Giải thích:

            Ý kiến chỉ ra sự giống nhau của hai nhân vật: đều nhẫn nhục, đồng thời chỉ ra sự khác nhau: sự nhẫn nhục của Từ chỉ là một bất hạnh đáng được cảm thông, không có gì đáng trách, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vừa là một bất hạnh đáng thương vừa có những sai lầm đáng trách. 

            Phân tích, chứng minh, bình luận

            * Phân tích, chứng minh.

            - Về nhân vật Từ

            + Từ là người vợ hoàn toàn yếu thế, phụ thuộc; hiền từ, nhu thuận, chăm chút chi li; thấu hiểu và tin tưởng phẩm chất tốt đẹp bền vững của chồng. Được khắc họa như một nhân vật phụ; trong không gian gia đình; thống nhất ngoại hình với tính cách.

            + Sự nhẫn nhục của Từ chủ yếu là nhẫn nhịn những hành vi thiếu tự chủ trong lúc phẫn đời mà tìm đến rượu của người chồng luôn day dứt lương tâm.

            - Về nhân vật người đàn bà hàng chài 

            + Là người đàn bà mạnh mẽ mà chịu lệ thuộc, chấp nhận việc hành hạ tàn tệ; sắc sảo, hiểu lẽ đời nhưng chưa có ý thức về giá trị sống, quyền sống của mình; hiểu rõ bi kịch của mình và gia đình mà chỉ cam chịu, không phản ứng. 

Được khắc họa như nhân vật trung tâm; trong không gian rộng từ gia đình đến tòa án; ngoại hình và tính cách có nhiều tương phản.

            + Sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là một cách chấp nhận những đầy đọa vô lí của người chồng quen thói bạo hành; đã thành một cách sống buông xuôi, thỏa hiệp; không những không thức tỉnh được chồng, trái lại, chỉ càng tiếp tay cho thói bạo hành gia đình.

            * Bình luận: Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến:

            - Chỉ ra  được những khác biệt thật sự trong một hiện tượng tưởng chừng hoàn toàn giống nhau, giúp người đọc nhận ra nét độc đáo của mỗi hình tượng.

            - Đồng thời, giúp người đọc cảm nhận được điểm gặp gỡ và nét khác biệt trong cách nhìn nhận và mô tả đời sống cũng như trong tư tưởng của mỗi tác giả.

            c. Kết bài:

            Khẳng định lại ý kiến, rút ra bài học.

Theo Sở GD&ĐT Tuyên Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ